Cần hiểu đúng về tăng giá điện

Trong thời gian gần đây, một số cơ quan thông tin đại chúng có những ý kiến chưa chính xác nhằm vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cắt xén cả những phát biểu chính thức liên quan đến Quyết định số 69/2013/QĐ- TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện. Điều đó thể hiện sự thiếu thiện chí, thiếu thận trọng, gây ảnh hưởng  không tốt đến uy tín của ngành Điện. Giá điện phải tăng là một thực tế khách quan trong lộ trình hình thành phát triển thị trường điện cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là tăng như thế nào để đảm bảo sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo đời sống của người dân mới là điều đáng bàn, đáng quan tâm.

Lợi - hại từ giá điện

Trong những năm qua, chủ trương của Chính phủ là điện phải “phục vụ” đời sống nhân dân, phát triển kinh tế. Nói cách khác là Chính phủ tìm mọi cách để ổn định giá điện thấp nhất có thể. Điều đó thể hiện trên thực tế là giá điện của nước ta là một trong những nước có giá điện thấp nhất thế giới, bằng 2/3 giá điện các nước trong khu vực và châu Á, chỉ bằng 1/4 giá điện các nước châu Âu. Nhà nước đã “bao cấp” gần như toàn bộ giá điện cho cả người dân và cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Với tỷ lệ 70% lượng điện sử dụng cho sinh hoạt như hiện nay thì đối tượng hưởng lợi đầu tiên chính là người tiêu dùng. Nhưng đáng ngại là việc được dùng điện giá rẻ trong thời gian quá dài đã tạo ra tính dễ dãi và lãng phí điện, tệ hơn nữa là một thói xấu, hễ tăng giá điện là lập tức phản ứng, viện ra mọi lý lẽ để phản đối. Đi đầu trong việc này là các doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ, chưa thực hiện kiểm toán năng lượng và  lãng phí điện trầm trọng trong sản xuất - kinh doanh. Điển hình là phản ứng quyết liệt của hai ngành sản xuất thép và xi măng về việc tăng giá điện trong năm 2013. Các doanh nghiệp thép đưa ra lý lẽ rằng, nếu tăng giá điện phải đưa ra lộ trình, đồng thời cần áp chung cho ngành sản xuất, không nên phân biệt áp giá điện cho xi măng và thép bởi công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều điện…

Đây là vụ việc điển hình của tự “mâu thuẫn” và “lý sự cùn” bởi các doanh nghiệp thép và xi măng tiêu thụ hơn 10,5% tổng lượng điện thương phẩm cả nước. Việc đầu tư quá lớn vào 2 ngành này trong thời gian qua được cho là đã dẫn đến cung vượt cầu, lãng phí vốn đầu tư của xã hội, có một phần nguyên nhân là do giá điện còn thấp.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, giá điện thấp dẫn đến một số trường hợp sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Sau khi xem xét, đánh giá hiệu quả sử dụng điện của ngành thép và xi măng, Bộ Công Thương thấy rằng, trừ một số ít nhà máy mới đầu tư và có mô hình quản lý tốt, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất sắt thép và xi măng hiện đang hoạt động có suất tiêu thụ điện năng còn cao (gấp 1,2-1,5 lần so với mức trung bình của khu vực).

Việc tăng giá điện vẫn đảm bảo quyền lợi cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp - Ảnh X.Tiến

Tệ hơn nữa, một số nhà máy (cả trong ngành Thép và Xi măng) xét về mặt công nghệ, thiết bị hoàn toàn không thua kém các nhà máy hiện đại nhất ở nước ngoài, song tiêu thụ điện năng (và cả các nguyên vật liệu khác) cho 1 đơn vị sản phẩm vẫn còn cao. Tình trạng này thể hiện sự buông lỏng quản lý, tâm lý thủ cựu không chịu đổi mới tư duy, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Thực tế, khi các doanh nghiệp quản lý tốt, tiết kiệm điện năng triệt để thì giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ giảm, tăng chất lượng và có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

Theo ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong khi giá điện chưa hoàn toàn được thị trường hóa thì việc quy định mức giá bán điện cho các ngành này cao hơn so với mức trung bình của các ngành sản xuất khác, về nguyên tắc sẽ buộc các nhà sản xuất phải áp dụng mọi biện pháp (cả về quản lý lẫn kỹ thuật - công nghệ) để tiết kiệm điện. Ngoài ra, việc áp mức giá bán điện khác nhau cho các nhóm đối tượng sử dụng khác nhau cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Ngược lại với các doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng hưởng lợi tiếp theo là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) lại có cách làm đáng phải “suy ngẫm”. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, việc tính toán giá điện trong mỗi sản phẩm được thực hiện từ nhiều năm. Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam như Canon Nhật Bản, Hyundai, Hàn Quốc… có khả năng sử dụng hiệu quả điện gấp 3 lần Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan, Singapore thì khoảng gấp 2 lần… Chỉ có quản lý tốt thì sản phẩm mới có thể xuất khẩu, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tăng giá điện là tất yếu!

Theo nghiên cứu của OECD Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, nguồn điện của Việt Nam lại đang mất cân đối khi quá lệ thuộc vào thủy điện với tỷ trọng chiếm tới 37%, còn lại là nhiệt điện than và khí, năng lượng tái tạo không đáng kể.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ cung ứng khoảng 126,5 tỉ kWh, tăng 10% so với năm 2013, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống 8,45% và tiết kiệm trong lĩnh vực sử dụng điện tương đương 1,5% (riêng miền Nam phấn đấu đạt 2%). Đặc biệt, dù tài chính khó khăn nhưng EVN đặt mục tiêu năm 2014 sẽ huy động và đầu tư tới 123.654 tỉ đồng (khoảng 6 tỉ USD), tăng 17,3% so với 2013, trong đó EVN dự tính sẽ phải dành ra trả nợ gốc và lãi vay khoảng 32.915 tỉ đồng.

Đáng chú ý, EVN dự báo giá bán điện bình quân năm 2014 sẽ tăng lên 1.533,09 đồng/kWh, tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh. Nếu tính trên tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2014 dự kiến đạt 126,5 tỉ kWh, EVN sẽ có thêm hơn 4.300 tỉ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện. Tuy nhiên, xét về tỷ suất lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu thì mới đạt khoảng 2%/năm, còn kém rất xa so với chuẩn quốc tế hiện nay đang từ 7-12%/năm. Thậm chí, theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra hồi cuối tháng 6/2013, tiềm năng để tăng giá điện có thể lên tới 10-15%, bao gồm cả điều chỉnh giá than, giá khí bán cho điện.

Các nghiên cứu trong Dự án Tổng sơ đồ Phát triển năng lượng tái tạo của Viện Năng lượng cho thấy, chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo là thủy điện nhỏ 300-1.000 đồng/kWh, gió 1.200-1.800/kWh, sinh khối 700-1.600 đồng/kWh, địa nhiệt 1.100-1.600 đồng/kWh, khí từ rác thải 700-800 đồng/kWh nhưng đốt rác thải sẽ có chi phí gấp đôi là 1.600-1.800 đồng/kWh, cao nhất là pin mặt trời 3.600-6.000 đồng/kWh. Hiện nay giá mua điện trung bình khoảng 1.000 đồng/kWh nhưng sẽ liên tục tăng cao trong những năm tới mới có khả năng đáp ứng được nhu cầu về điện thì rõ ràng việc tăng giá điện thu về hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng và phát triển ngành Điện hiện nay và về  lâu dài là điều tất yếu, nếu không nói là bất khả kháng .

Theo Quyết định số 69/2013 QĐ- TTg  của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó giá bán điện bình quân được xây dựng hằng năm trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của bốn khâu: Phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Trong đó, Thủ tướng đã quy định rõ, có thể điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, thời gian điểu chỉnh tối thiểu giữa 2 lần là 6 tháng. EVN chỉ được đề xuất tăng giá điện trong khoảng 7-10%, nếu tăng giá hơn 10% phải được sự thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tổng hợp trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy, căn cứ nhu cầu về điện, khả năng sản xuất của ngành Điện, lộ trình tăng giá điện trong những năm tới của Chính phủ, việc giá điện tăng 7-10%/năm là điều tất yếu, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.


  • 17/04/2014 02:32
  • Theo Năng lượng mới
  • 2691


Gửi nhận xét