Cần cơ chế để tư nhân “mạnh tay” đầu tư

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, song thời gian qua, việc khai thác nguồn năng lượng này còn rất khiêm tốn, chính sách, cơ chế chưa khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

Thời gian qua, các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) (ngoại trừ thủy điện nhỏ)… chủ yếu từ nguồn tài trợ không hoàn lại của một số quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản... hoặc vốn vay, vốn nhà nước nhưng rất hạn hẹp. Đồng thời, các dự án NLTT nhỏ lẻ được triển khai ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, tuy mang lại một số lợi ích về văn hóa xã hội, nhưng còn chậm về tiến độ và hiệu quả không cao.

Đối với nguồn năng lượng mặt trời: Khoảng 500 hệ thống pin mặt trời quy mô gia đình, 100 hệ thống quy mô cộng đồng đã được triển khai rải rác trên 35 tỉnh thành, trong đó có 5 dự án có công suất từ 100 - 150 kWp (có một dự án nối lưới). Hầu hết các dự án có quy mô nhỏ, suất đầu tư cao, giá điện khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kWh.

Đối với thủy điện nhỏ: Khoảng 10 năm trở lại đây do cơ chế mở cửa, nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ, góp phần cung cấp một lượng điện đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy môi trường, xã hội. Các nhà đầu tư chính có thể kể tới là Tổng công ty Sông Đà, LILAMA, LICOGI, VINACONEX.... Tuy nhiên, nguốn vốn từ khu vực tư nhân chỉ chiếm khoảng 15 - 20%.

Đối với điện gió: Cách đây 10 - 15 năm chủ yếu là các dự án điện gió thử nghiệm với công suất nhỏ 5 – 10 MW nhờ vốn tài trợ, như điện gió Hải Hậu, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cù Lao Chàm… Gần đây, nhờ tiến bộ công nghệ, giá đầu tư giảm và đặc biệt Chính phủ Việt Nam đã có chính sách khuyến khích phát triển năng lượng gió từ trợ giá, tới các ưu tiên đất đai, thuế… hoạt động đầu tư điện gió sôi nổi, năng động hơn. Các công ty đã huy động nguồn vốn tự có, từ các tập đoàn kinh tế nhà nước, vay ngân hàng, nước ngoài với tổng số vốn ước tính 1 - 1,2 tỷ USD, như điện gió Bình Thuận (120 MW); điện gió Ninh Thuận (100 MW)… Đến nay, các dự án điện gió chỉ cung cấp được khoảng 15% so với công suất dự kiến.

Việt Nam cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển NLTT. Ảnh minh họa

Đối với nhiên liệu sinh học: Hiện nay có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu ethanol, với tổng công suất khoảng 600 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng, phần lớn được huy động từ các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, các cơ sở này hiện đang gặp nhiều khó khăn do giá thành sản phẩm cao, thị trường chưa chấp nhận sử dụng xăng pha ethanol, không tiêu thụ được sản phẩm, một số công ty đang trong cảnh nợ nần, ngừng sản xuất, một số công ty đang xây dựng dang dở.

Đối với nhiên liệu khí sinh học (hầm biogas): Việt Nam phát triển và sử dụng khí sinh học đã khá lâu, từ thập niên 60,70 của thế kỷ trước, “phong trào” trải qua những lúc thăng trầm vì thiếu nhận thức, đầu tư, cơ chế, hỗ trợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ có chính sách khuyến khích và nguồn tài trợ quốc tế, đặc biệt là Hà Lan, các dự án khí sinh học đã phát triển hầu khắp các tỉnh trong toàn quốc. Đến nay, tổng sồ hầm khí sinh học lên tới trên 550.000 hầm, một số nơi còn phát triển các hầm quy mô cộng đồng kết hợp phát điện. Tuy nhiên, việc xây dựng các hầm khí sinh học tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn nghèo.

Theo Quy hoạch điện VII (QHĐ VII), mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn NLTT là 4,5% và 6% vào năm 2030. Trong bối cảnh hiện nay và dự báo thời gian tới, đặc biệt với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cần phải nâng mức phát triển NLTT cao hơn nữa. Nếu tính tỷ trọng NLTT tăng lên 6% năm 2020; 10% năm 2030 và nhu cầu điện được hiệu chỉnh thấp hơn Quy hoạch điện VII, thì năm 2020 tổng công suất điện tái tạo dự kiến sẽ là 5.600 MW, sản xuất điện năng 14,1 tỷ kWh, đầu tư 10 tỷ USD, giảm 8,46 triệu tấn CO2; năm 2030 tương ứng công suất là 15.000 MW; sản xuất điện năng 42 tỷ kWh; đầu tư 21 tỷ USD; giảm 25 triệu tấn CO2.

Nhằm mục đích thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh cơ chế tài chính Hợp phần tín dụng Dự án Năng lượng tái tạo (REDP) vay vốn Ngân hàng Thế giới. Ước tính, khoảng 15 - 25 tiểu dự án đầu tư tư nhân sử dụng các nguồn NLTT sẽ được vay vốn từ Dự án REDP, thông qua các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, để NLTT thực sự phát triển, thiết nghĩ Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT cần tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển NLTT có tỷ trọng cao hơn so với QHĐ VII và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng quy hoạch, chính sách, cơ chế hợp lý, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển và sử dụng NLTT, đặc biệt phát huy vai trò tư nhân, nội địa hóa công nghệ NLTT.

Hiện nay, tổng công suất từ các nguồn NLTT khoảng 1.200 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 2 tỷ kWh/năm, tương đương 1,6% tổng sản lượng điện quốc gia:

Thực trạng sử dụng NLTT đến năm 2012

STT

Loại nguồn

Công suất (MW)

1

Thủy điện nhỏ

1.000

2

Gió

52

3

Mặt trời

3

4

Sinh khối

152

5

Rác thải sinh hoạt

8

Tổng cộng

1.215

 

Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng:

Hiện nay, các dự án NLTT tại Việt Nam do tư nhân đầu tư còn có quy mô nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch nên hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, giá bán điện còn thấp và các thủ tục cấp phép phức tạp, do vậy chưa thực sự thu hút khu vực tư nhân “mạnh tay” đầu tư với quy mô lớn. Thiết nghĩ, để khu vực tư nhân có thể khẳng định được vai trò của mình trong lĩnh vực này, bên cạnh việc điều chỉnh về giá bán điện cần có một quy hoạch cụ thể, trong đó chỉ rõ những khu vực có tiềm năng phát triển về NLTT để định hướng, thu hút đầu tư.

Ông Phạm Cương – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam:

Nếu tiếp tục tình trạng như hiện nay, Việt Nam sẽ “bỏ ngỏ” nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào, trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, nguồn NLTT ấy cũng không thể phát triển nếu các cơ chế, chính sách, ưu đãi không có sự thay đổi. Hiện nay rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân ở nước ngoài như Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan muốn đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam nhưng họ còn e ngại do vướng chính sách.

 


  • 27/08/2014 02:15
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 22256


Gửi nhận xét