Các nhà máy thủy điện của EVN sẵn sàng ứng phó trước mưa lũ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo trong các ngày từ 10/8 – 15/8 ở Bắc Bộ sẽ có mưa lớn diện rộng nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc. Trước tình hình này, các nhà máy thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuẩn bị sẵn sàng các tình huống ứng phó đảm bảo an toàn, hồ đập.

Ông Đặng Việt Thắng, Giám đốc Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát cho biết: Ngay từ tháng 4/2016, Công ty đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ở cả 2 nhà máy. Riêng đối với đợt mưa lũ này, Giám đốc công ty sẽ trực tiếp chỉ huy tại Nhà máy Thủy điện Huội Quảng; 01 phó giám đốc chỉ huy tại Nhà máy Thủy điện Bản Chát; các thành viên khác trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Công ty được phân công và giao trách nhiệm cụ thể.

“Tính đến thời điểm 14h ngày 10/8, lưu lượng nước về 2 hồ thủy điện Huội Quảng và Bản Chát còn ở mức rất thấp. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình nước về để vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy và đảm bảo an toàn công trình đầu mối”, ông Thắng cho biết.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng trong mùa mưa bão

Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Thác Bà cũng khẳng định: Công ty đã chuẩn bị chu đáo vật tư, thiết bị dự phòng để ứng phó với các đợt mưa bão với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho nhà máy và vùng hạ du. Số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy nhiều năm qua vào mùa lũ lưu lượng nước về hồ lớn nhất đạt 2.500 m3/s, trong khi đó chúng tôi có thể đảm bảo an toàn ở mức cao nhất có thể là 5.000 m3/s.

Đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cắt lũ, đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, ngay từ đầu năm Công ty Thủy điện Hòa Bình đã lập kế hoạch quản lý vận hành đập và hồ chứa, kế hoạch bảo dưỡng công trình.

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty cho biết: Tháng 4/2016, Công ty đã thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN và tổ trực lũ, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tập huấn quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ cho các chức danh liên quan. Đặc biệt, Công ty thường xuyên theo dõi sát kết quả quan trắc tốc độ chuyển dịch công trình, động thái nước, áp lực trong thân và nền công trình, mức độ thẩm thấu của công trình…

Đối với công tác vận hành hồ chứa, Công ty luôn thực hiện vận hành đúng quy trình được Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo an toàn vùng hạ du trong mùa lũ. Đồng thời phối hợp với các chủ đập trên hệ thống sông Đà vận hành theo cơ chế liên hồ và cung cấp thông tin về vận hành hồ chứa trong mùa mưa, lũ cho các cơ quan chức năng.

Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương và Công ty Thủy điện Sơn La thường xuyên kiểm tra, giám sát dòng chảy tự nhiên vùng hạ du đập trước, trong và sau khi xả lũ, nhằm đảm bảo an toàn công trình đầu mối và giảm nhẹ thiên tai do lũ, bão gây ra.

“Hiện tại mực nước hồ Hòa Bình là 98 m, trong khi theo quy định thời điểm này hồ được tích đến 101 m. Như vậy dung tích chống lũ tính đến thời điểm này của Nhà máy thủy điện Hòa Bình là 3 tỷ m3 và khả năng chống lũ theo thiết kế của Nhà máy 49.000 m3/s. Như vậy, Thủ đô Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng được đảm bảo an toàn trong đợt mưa lũ này”, ông Minh cho biết thêm.

- Để ứng phó với đợt mưa lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu: Bộ Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn cắt lũ trên lưu vực sông Hồng.

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu: Các Công ty thuỷ điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng bao gồm hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà.