Các đơn vị truyền tải khu vực miền Trung sẵn sàng ứng phó bão số 6

Trao đổi nhanh với evn.com.vn chiều 9/11, lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 2, Công ty Truyền tải điện 3 cho biết các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị để xử lý kịp thời mọi tình huống khi bão số 6 đổ bộ.

Ông Trần Thanh Phong – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 (PTC 2) cho biết, lưới điện truyền tải các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi do công ty quản lý nằm trong khu vực được dự báo bão số 6 đổ bộ. Ngoài phương án PCTT&TKCN chung theo quy định, các đơn vị lập phương án ứng phó đặc thù, phương án ứng phó sự cố lớn riêng tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, địa chất yếu, cột yếu, vùng có khả năng bị chia cắt,…

Ông Phong cho biết thêm, những vị trí cột xung yếu được công ty củng cố, chằng néo kịp thời. Những trạm biến áp có nguy cơ ngập úng nếu mưa lớn kéo dài đã được công ty tính toán đến và có phương án chuẩn bị như: Đào hệ thống kênh rạch, lắp đặt cửa chắn nước, khơi thông cống thoát nước quanh khu vực,… 

Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra các vị trí cột xung yếu do PTC 2 quản lý trước bão số 6

Đặc biệt, trước mùa mưa bão năm nay, công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị trong ngành Điện như các công ty điện lực, lưới điện cao thế và các đơn vị ngoài như vận tải, cung cấp vật tư thiết bị để luôn sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố nhanh chóng, kịp thời.

Về công tác kiểm tra, rà soát tuyến đường dây sau bão, ngoài kiểm tra trực tiếp, công ty sẽ sử dụng thiết bị bay UAV để kịp thời phát hiện những tình huống xấu do bão gây ra.

“Hiện tại, công ty và các đội truyền tải, các trạm biến áp đang ứng trực 24/24h và thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ ngày 10/11, lãnh đạo công ty trực tiếp vào Quảng Ngãi để chỉ đạo ứng phó”, ông Phong chia sẻ.

Ông Hồ Công – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC 3) cho hay, theo dự báo phạm vi ảnh hưởng của bão số 6, có các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là khu vực công ty quản lý lưới truyền tải. Bên cạnh phương án phòng chống thiên tai đã được triển khai ngay từ đầu năm, công ty phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến của bão để đảm bảo cung cấp điện tốt nhất, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và công trình điện.

Dự kiến hướng đi của bão số 6 - Nguồn ảnh Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

Công ty yêu cầu các đơn vị liền kề nhau chủ động phối hợp và hỗ trợ để nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa bão. Trong quá trình triển khai công tác PCTT&TKCN phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.

“14 vị trí cột xung yếu gần bờ sông, triền dốc được công ty lắp đặt hệ thống camera để theo dõi liên tục. Hiện tại, công ty đã cử 3 đoàn công tác xuống địa bàn 3 tỉnh trên để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão”, ông Hồ Công cho biết.

Cũng theo ông Công, PTC 3 đã xây dựng kịch bản ở tình huống xấu nhất khi mưa bão gây sự cố làm tê liệt đường dây truyền tải điện Bắc – Nam, công ty sẽ tiến hành dựng cột KEMA để thay thế (phương án này đã được diễn tập từ tháng 5/2019). Vì vậy, 100% quân số và vật tư thiết bị dự phòng của đơn vị luôn đã ở trong trạng thái sẵn sàng được điều động. 

“Trong chiều ngày 9/11, đội ngũ trực bão đã được công ty tạo điều kiện cho về nhà để chằng néo, gia cố nhà cửa. Còn từ tối nay, lãnh đạo và toàn lực lượng trực 24/24h đến khi bão tan” - ông Công cho biết.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia:

- Hồi 13 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 120 km về phía Bắc Tây Bắc.

- Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 190km về phía Đông.

- Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

- Từ đêm 9/11 đến 12/11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ.

- Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng.