Bộ TN-MT nhận diện 3 nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã gia tăng hơn so với năm 2018. Đặc biệt, tại Hà Nội có thời điểm nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt 3 - 4 lần quy chuẩn cho phép.

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đại diện các Bộ, ngành để đánh giá thực trạng, nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí trong thời gian vừa qua.

Theo ông Trần Hồng Hà, chất lượng không khí tại TP Hà Nội được đánh giá từ số liệu tổng hợp tại 14 trạm quan trắc của Hà Nội, các trạm của Bộ TN-MT và tham khảo kế quả quan trắc từ các trạm tự động đặt tại Đại sứ quán Mỹ, Pháp.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, dù chưa có trạm quan trắc nhưng trong thời gian vừa qua, cơ quan chứcc năng đã tiến hành quan trắc 10 lần với tần suất 2 ngày/lần để có căn cứ đánh giá hiện trượng ô nhiễm không khí.

Theo đó, ông Trần Hồng Hà cho biết, chỉ số bụi mịn được quan trắc và so sánh từ năm 2017 đến nay, trong khi các chỉ số khác như SO2, CO2, NO gần như không tăng, có thời điểm chạm đến ngưỡng quy chuẩn cho phép. Ngược lại, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở cả hai thành phố đều tăng lên, mật độ cao và dao động trong các thời điểm từ 5 - 8 giờ sáng và từ 18 - 21 giờ, đặc biệt là thời điểm mùa khô, nghịch nhiệt đều có tăng lên.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà kết luận tại hội nghị

Đặc biệt tại Hà Nội, có nơi, có thời điểm nộng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 3 - 4 lần quy chuẩn. “Nồng độ bụi mịn cao hơn quy chuẩn cho phép là ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, điều này đã tạo ra sự lo lắng chính đáng trong nhân dân, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách ngay sau hội nghị này”, ông Hà nói.

Cũng theo phân tích từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã tổng kết, nhận diện 3 nguồn chung dẫn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có mật độ phương tiện tham gia giao thông quá đông, trong khi chất lượng khí thải từ phương tiện giao thông của Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn trên thế giới. Cụ thể, Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, ô tô; TP Hồ Chí Minh có khoảng 7,5 triệu chưa kể hàng triệu xe di chuyển cơ học qua lại địa bàn này mang theo lượng bùn, đất vào đô thị, tác động cộng hưởng này khiến bụi mịn tăng cao. Trong khi tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy chỉ ở mức độ Euro2, tiêu chuẩn ô tô hiện đã hướng đến Euro4, trong khi thế giới đã có Euro6.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Trần Hồng Hà, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong “đại công trường”, riêng Hà Nội hiện có trên 1.000 công trình xây dựng. Các công trường đang trong thời gian xây dựng, xe chở vật liệu ra vào che chắc không kỹ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Nguồn ô nhiễm thứ ba là hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy đang còn hoạt động ở khu vực trong và ven đô thị. Hà Nội theo thống kê, số lượng nhà máy lớn còn ít, riêng TP Hồ Chí Minh khu vực ven thành phố đang có gần 900 nhà máy lớn nhỏ.

Cũng theo ông Trần Hồng Hà, ô nhiễm không khí tại Hà Nội có sự tác động sáp nhập địa giới hành chính trước đây. Nông dân vùng ngoại thành có thói quen đốt rơm rạ, phế thải nông nghiệp sau thu hoạch, đây là nguyên nhân trực tiếp phát tán bụi mịn vào không khí. Bên cạnh đó, Hà Nội còn khoảng 60.000 bếp than tổ ong được người dân sử dụng đun nấu hàng ngày, đây cũng là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại thủ đô.

Xem link gốc Tại đây


  • 22/12/2019 12:10
  • Theo Thanh Niên
  • 7716