Biến “đặc sản gió” thành điện

Vùng đất Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) lâu nay được ví như là một “cửa gió” hay “họng gió chướng” của tỉnh Quảng Trị. Gió trời rát bỏng được xem là “đặc sản” quanh năm gieo rắc khốn khó cho bao thế hệ người dân nơi đây. Ngày hôm nay, thứ “đặc sản” này đã được con người “thuần phục” để tạo ra nguồn điện năng sạch, phục vụ cho đời sống, hoạt động sản xuất.

Khẩn trương thi công Nhà máy điện gió Hướng Linh 2

“Thủ phủ” điện gió

Từ ngàn năm nay, con người đã biết sử dụng năng lượng gió để phục vụ cho hoạt động sản xuất và đời sống. Ấy vậy mà ở vùng đất Hướng Linh này, gió trời chỉ mang lại cảnh khắc nghiệt. Người ta mỗi khi nhắc đến chỉ dè bỉu, xem như là một tai họa trời giáng xuống để bắt người dân bao đời phải chịu đựng cảnh nghiệp chướng. 

Anh Hồ Văn Ngại, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, nói: “Hướng Linh có 437 hộ (trên 2.300 nhân khẩu), dân chủ yếu làm nông nghiệp và trồng rừng. Ở đây quanh năm chỉ có mỗi gió là “đặc sản”. Mùa hè gió thổi nóng hừng hực, mùa đông lạnh, khô hanh chẳng có cây cối nào phát triển được. Trồng cây gì cũng chậm phát triển, nên việc làm ăn của bà con hầu như gặp rất nhiều khó khăn.”

Quảng Trị là một trong những tỉnh được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030. Dự án điện gió được UBND tỉnh này giao lại cho Tổng Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu, theo thẩm định và tham mưu của Sở Công Thương cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị. Trong đó bao gồm cả 2 dự án: Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, tổng vốn đầu tư lên đến 1.420 tỷ đồng, được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt vào ngày 29/7/2015; Nhà máy điện gió Hướng Linh 1, với tổng vốn đầu tư 1.660 tỷ đồng (được phê duyệt ngày 1/12/2015).

Ông Quốc Hồ Hiệp Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị, cho biết: “Quy mô của 2 nhà máy điện gió Hướng Linh 1 (thôn Xa Bai, xã Hướng Linh) và Hướng Linh 2 (thôn Hoong Cóc, xã Hướng Linh) đều có tổng công suất 30 MW/nhà máy; được đầu tư mỗi nhà máy 15 tuabin gió (theo công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức); diện tích đất sử dụng 12 ha/nhà máy. Dự án khi đưa vào hoạt động hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hướng Hóa cũng như toàn tỉnh Quảng Trị”.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó giám đốc Công ty Tân Hoàn Cầu, cho biết thêm: “Từ trước đến nay, sản lượng gió ở Hướng Linh rất lớn, từ 6,5 - 7 m/s, nhưng chưa ai sử dụng để làm gì. Vì thế, khi tiến hành xây dựng 2 nhà máy điện gió, chúng tôi hy vọng sẽ tận dụng được tối đa tiềm năng này, biến nơi đây thành “thủ phủ” điện gió trong tương lai. Qua đó sẽ đầu tư thêm nhiều cơ sở hạ tầng để phục vụ cho Công ty và cả người dân, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng”.

Tiềm năng mới đầy triển vọng

Đến nay, các hạng mục phụ trợ, đường dây 22 kV cấp điện phục vụ thi công, nhà điều hành tạm thời của Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 đã hoàn thành. Trong thời gian tới, các hạng mục chính của Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 như: Xây dựng tuabin và đường dây vận hành, đường dây 110 kV đấu nối đường dây 22 kV, trạm nâng áp 0,69/22 kV, trạm nâng áp 22/110 kV, thiết bị nhà máy, thiết bị tuabin gió... sẽ được đồng loạt triển khai. Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục quan trọng nhất, đảm bảo được tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Trung Thành cho hay: “Dự kiến, trong tương lai chúng tôi sẽ có phương án nâng cấp công suất 2 nhà máy điện gió này từ 30 MW lên thành 110 MW để tận dụng được tối đa sức gió và phát huy hết khả năng thiết kế của nhà máy”.

Ưu thế của việc phát triển điện năng từ gió sẽ giải quyết được những tồn tại mà thủy điện hay nhiệt điện gặp phải; giá thành của điện gió cũng không chênh lệch là mấy so với các nguồn điện khác; hơn nữa, điện gió là một nguồn năng lượng sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, thân thiện với con người. Việc phát triển năng lượng điện gió sẽ đem lại lợi ích hết sức quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị.

Sau khi triển khai dự án điện tại xã Hướng Linh, nhận thấy tiềm năng còn nhiều nên UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ra văn bản đồng ý cho Tổng Công ty cổ phần Việt Ren (trụ sở tại thành phố Đông Hà) đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 với công suất 20 MW (có 10 tuabin gió), tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Việc “thuần” gió trời để sinh điện tại mảnh đất mà gió là “đặc sản” là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai.


  • 15/02/2017 09:22
  • Theo sggp.org.vn
  • 30465