Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Không chỉ người dân được hưởng lợi

Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) cho ngành Điện là một chủ trương lớn của Nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế trong việc cung cấp điện, giúp người dân nông thôn được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước khi sử dụng điện lưới quốc gia.

Lưới điện được đầu tư nâng cấp
 
Từ năm 2008 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Nam đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến 174.532 hộ dân của 182 xã, phường, thị trấn. Sau khi tiếp nhận, Công ty đã tiến hành thay thế công tơ và từng bước cải tạo, nâng cấp hơn 2.000 km đường dây hạ áp, 182,5 km đường dây trung áp và 193 TBA. Ngoài nguồn vốn sửa chữa lớn, xây dựng cơ bản hằng năm, PC Qảng Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã vay vốn các ngân hàng: KFW, ADB, ADB mở rộng, cải tạo lưới điện trung áp và hạ áp nông thôn với tổng vốn gần 900 tỉ đồng.
 
Nhờ đó, lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và mỹ quan; mức độ an toàn và chất lượng điện được cải thiện rõ rệt. Lưới điện nông thôn đã được cải tạo cơ bản, đáp ứng được yêu cầu khách hàng. Cụ thể, người dân nông thôn  được mua điện trực tiếp từ ngành Điện theo đúng giá quy định của Nhà nước, không phải mua giá cao (gấp từ 2-4 lần) qua các tổ chức trung gian như trước đây. Chất lượng điện tốt hơn, đảm bảo an toàn khi sử dụng, các dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng tốt hơn mà không phải đóng thêm các khoản như lắp đặt công tơ, khắc phục sự cố mất điện, chi phí đầu tư cải tạo lưới điện. Tình trạng các hộ ở xa đường dây, hoặc cuối nguồn, điện thế yếu đã được khắc phục; công tác kinh doanh bán điện trên địa bàn đã dần đi vào nề nếp. 
 
Ông Lại Đẫu, thôn Nam Hà 2, xã Điện Trung cho biết: “Trước đây, lưới điện do hợp tác xã quản lý việc cung cấp điện không ổn định, lúc có lúc không, nhất là vào giờ cao điểm. Từ khi Điện lực Duy Xuyên tiếp nhận quản lý, chất lượng điện đã nâng lên rõ rệt. Gia đình tôi dùng điện cho việc đun nấu, tưới cây…
 
Anh Trần Đức Dũng – chủ xưởng gò hàn cũng vui vẻ cho biết: “Ngày trước hợp tác xã quản lý lưới điện, tôi phải dùng ổn áp mới đủ công suất cho việc gò hàn. Nhưng đến nay, tôi rất yên tâm về chất lượng điện ổn định. Đặc biệt, nếu bị sự cố, chỉ cần gọi điện thoại là lập tức có người đến sửa ngay, không phải chờ đợi lâu”. 
 

Diện mạo mới của lưới điện nông thôn Quảng Nam sau khi được ngành Điện tiếp nhận và đầu tư - Ảnh: Hoàng Phương

 
Tránh tình trạng bàn giao kéo dài
 
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn 20 hợp tác xã (HTX) đang quản lý và bán lẻ điện đến các hộ dân thuộc 16 xã, phường của 4 huyện, thị xã (Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và Quế Sơn). Trong đó, có 15 HTX đang tham gia Dự án năng lượng nông thôn giai đoạn 2 (REII) gốc và 05 HTX đang tham gia Dự án REII mở rộng. 
 
Tháng 7/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu UBND các huyện có HTX kinh doanh điện nông thôn khẩn trương bàn giao cho ngành Điện quản lý trong năm 2015. Những HTX nếu có đủ điều kiện kinh doanh điện năng, phải cam kết đảm bảo các điều kiện kinh doanh và thực hiện bán lẻ điện đến hộ sử dụng theo đúng giá bán do Chính phủ quy định, đồng thời phải chịu trách nhiệm đầu tư lưới điện, đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn đáp ứng việc phát triển phụ tải của địa phương; đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị; đảm bảo an toàn cung cấp điện khi sự cố, thiên tai. Đồng thời, phải thực hiện trích kinh phí hàng tháng và gửi kinh phí này vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính đã mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để đảm bảo đủ trả nợ vay dự án REII đúng kỳ trả nợ hàng năm. 
 
Theo chủ trương này, các HTX quản lý điện năng nếu không bảo đảm điều kiện hoạt động điện lực nên nhanh chóng bàn giao công trình đang quản lý cho ngành Điện để hệ thống lưới điện được đầu tư, tu bổ đảm bảo chất lượng cũng như công tác quản lý hiệu quả hơn. Còn  những đơn vị có khả năng thì hoàn thành thủ tục để tiếp tục duy trì hoạt động điện lực theo quy định của Nhà nước. Điều quan trọng hơn hết là hình thành được một mô hình quản lý phù hợp đối với điện nông thôn, đảm bảo quản lý ổn định, lâu dài, đủ năng lực phục vụ yêu cầu điện khí hóa nông thôn; đồng thời, xây dựng được một mô hình hiệu quả, chứ không phải chỉ để khai thác những lưới điện có sẵn, không khấu hao, không duy tu sửa chữa, đến lúc cạn kiệt năng lực lưới điện rồi mới tuyên bố không đủ năng lực quản lý nên bàn giao.
 
Thực tế lưới điện sau khi bàn giao cho ngành Điện quản lý bán lẻ đến các hộ dân đã được đầu tư mở rộng, đảm bảo an toàn và góp phần chỉnh trang kết cấu hạ tầng nông thôn. Tính đến cuối năm 2014, tỉnh Quảng Nam đã có 181/205 xã đạt tiêu chí số 4 về điện cho nông thôn mới. Năm 2015, dự kiến sẽ có thêm 46 xã nông thôn mới được công nhận. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế nông thôn đã có những thay đổi cơ bản, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%. Ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn) cho biết: “Từ khi ngành Điện tiếp nhận bán lẻ đến hộ dân nông thôn, những khiếm khuyết về điện nông thôn đã từng bước được tháo gỡ, đường dây cũ kỹ trước kia được cải tạo, nâng cấp nên chất lượng điện không ngừng tăng lên, tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong việc xây dựng nông thôn mới”. 


  • 24/11/2015 02:24
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 5354


Gửi nhận xét