Ấm no trên vùng đất bán ngập thủy điện

Bốn năm trở lại đây, tại các xã thuộc khu vực vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La của huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, người dân đã tận dụng diện tích đất bán ngập của vùng lòng hồ thủy điện để canh tác và sản xuất nông nghiệp. Điều này đang góp phần giúp người dân vùng tái định cư yên tâm sản xuất trên quê hương mới sau khi nhường đất cho thủy điện.

Bản Nà Tăm 1 là bản trung tâm của xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ với 64 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Lự sinh sống. Cả bản có hơn 20 ha đất trồng ngô, lúa và đậu tương trên vùng bán ngập. Việc trồng lúa, ngô, đậu tương và chăn nuôi gia súc đã và đang góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong bản, tạo ra nguồn lương thực ổn định.

Ông Tao Văn Khăm, Trưởng bản Nà Tăm 1, xã Nậm Tăm cho biết: "Khi mới lên khu tái định cư, người dân cũng có những khó khăn như thiếu đất sản xuất, không có nhiều chỗ để canh tác nông nghiệp. Khi thấy nước ở hồ thủy điện rút, có đất lòng hồ lộ ra trong thời gian vài tháng, bà con trong bản đã cùng nhau tận dụng trồng ngô và các loại cây ngắn ngày như lạc và đậu tương... để không lãng phí đất màu mỡ. Qua đó, nhiều hộ đã tăng thêm thu nhập cho gia đình, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn khoảng 9%".

Trưởng bản Tao Văn Khăm bên ruộng ngô canh tác trên vùng bán ngập

Tháng 7 là thời điểm đất bán ngập được người dân các bản trong xã tận dụng triệt để cho sản xuất nông nghiệp. Cả một khu vực rộng lớn trước kia là mặt nước thì giờ đây bao phủ một màu xanh mướt của ngô và lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng. Đất bán ngập ở đây được người dân trong từng bản tự chia nhau một cách đồng đều để hộ nào cũng có đất canh tác.

Anh Tao Văn Nọi ở bản Nà Tăm 1 cho biết: “Đất bán ngập có ưu điểm là lượng phù sa nhiều nên đất rất màu mỡ. Trồng cây con nào cũng lên rất tốt và cho năng suất cao. Nhà có hơn 2 sào đất bán ngập. Trước đây đất bán ngập được gia đình trồng lạc với đậu tương nhưng năng suất không cao bằng ngô. Nay mỗi vụ gia đình có thể thu về khoảng 6 tạ ngô. Trồng ngô vừa để nuôi lợn, gà, trâu, phần dư ra có thể bán để chi phí sinh hoạt”.

Xã Nậm Tăm là một trong hai xã có diện tích đất bán ngập lớn của huyện biên giới Sìn Hồ. Đất bán ngập thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch. Khi nước rút, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã tranh thủ canh tác và có thể thu về hàng chục triệu đồng một vụ. Năm 2016, xã Nậm Tăm có 9/14 bản canh tác đất bán ngập. Diện tích ngô, lúa bán ngập phát triển lên 160 ha với năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha. Cây trồng trên đất bán ngập đang thực sự mở ra hướng thoát nghèo mới cho người dân ở các bản làng tái định cư thủy điện trên địa bàn. Việc mở rộng diện tích cây trồng và đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất đang giúp nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.

Ông Phạm Ngọc Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ cho biết: Năm 2013, xã Nậm Tăm đã thực hiện mô hình điểm trồng ngô trên 130 ha đất bán ngập. Theo đó, nhiều hộ gia đình ở các bản tái định cư trước đây có đất tại các khu vực bán ngập tiếp tục tận dụng đất để trồng và được hỗ trợ giống, phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.

Kết quả vụ ngô năm 2013 vượt hơn cả dự tính, tạo nguồn lương thực lớn trong chăn nuôi gia súc, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng tái định cư. Từ đó đến nay, người dân đã hình thành ý thức canh tác, tận dụng nguồn đất theo mùa tích nước để mua giống gieo trồng. Ngoài ngô là cây trồng chính người dân còn trồng xen canh lúa, lạc, đậu tương để mang lại hiệu quả cao. Hiện diện tích đất bán ngập có thể dùng canh tác hoa màu đã được bà con thực hiện tăng lên thành 160 ha.

Theo chủ trương của Chính phủ việc di dân để nhường đất cho các dự án thủy điện đến nơi ở mới là phải đảm bảo làm sao cho cuộc sống của nhân dân nơi ở mới bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ. Việc người dân tận dụng được diện tích đất bán ngập khi nước lòng hồ thủy điện rút một mặt đã góp phần giải quyết được đất sản xuất cho nhân dân, mặt khác canh tác sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bán ngập sẽ tạo ra được nguồn sinh kế lâu dài, ổn định cho nhân dân sinh sống tại các khu vực lòng hồ thủy điện.