Xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân: Không nóng vội

Phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng hệ thống điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (diễn ra ngày 12/12/2014), Phó thủ tướng Chính phủ - Hoàng Trung Hải đã khẳng định, tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tuy bị chậm, song không vì thế mà nóng vội, phải được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo độ an toàn cao nhất.

Chậm nhưng chắc …

Theo kế hoạch tổng thể triển khai Dự án Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 6/10 dự án thành phần. Tính đến cuối năm 2014, hai đơn vị tư vấn Nga và Nhật Bản đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm đối với Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1&2. Hiện nay, EVN đang tổ chức thẩm tra, hoàn chỉnh để trình các bộ, ban, ngành liên quan và Hội đồng Thẩm định Nhà nước.

Về Dự án Đào tạo nguồn nhân lực, từ năm 2010 đến nay đã có 235/325 sinh viên được Bộ Giáo dục & Đào tạo cử đi học các chuyên ngành điện hạt nhân tại LB Nga (trong đó có 87 sinh viên ở Ninh Thuận). Ngoài ra, EVN còn gửi 24 kỹ sư sang Nhật Bản đào tạo cán bộ chủ chốt cho điện hạt nhân từ cuối năm 2012.

Dự án Hạ tầng phục vụ thi công các dự án nhà máy ĐHN tại tỉnh Ninh Thuận gồm nhiều công trình khác nhau như điện, nước, giao thông... Mới đây, ngày 12/12/2014, EVN đã khởi công xây dựng công trình hệ thống cung cấp điện thi công nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Công trình gồm một đường dây 110 kV mạch kép dài 13,63 km có tuyến đi qua địa phận xã Phước Nam và Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Phước Hải (huyện Ninh Phước) và một TBA 110/22kV công suất 25 MVA đặt tại thôn Sơn Hải 1, trong khu vực xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Công trình này sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo điều kiện khởi công và cung cấp điện ổn định trong suốt quá trình thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.

Theo Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận, năm 2014 sẽ tiến hành khởi công xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, song hiện nay công việc này chưa được thực hiện. Theo ông Lê Doãn Phác – Phó cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, điều này là bình thường. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ ghi nhận hai quốc gia đảm bảo được tiến độ khi triển khai điện hạt nhân là Nhật Bản và Hàn Quốc. Các quốc gia khác, thậm chí còn chậm tiến độ trong quá trình xây dựng, còn Việt Nam mới đang ở giai đoạn chuẩn bị.

Phó thủ tướng CP Hoàng Trung Hải, đại diện các bộ, ngành, chính quyền địa phương và EVN nhấn nút khởi công hệ thống cấp điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (tháng 12/2014). Ảnh: P.T

Cũng trong thời gian qua, cùng với EVN, UBND tỉnh Ninh Thuận đã rất tích cực phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chủ đầu tư triển khai các dự án thành phần. Ông Trần Xuân Hòa – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đây vừa là trách nhiệm, nhưng cũng rất vinh dự của địa phương khi được tham gia vào một dự án trọng điểm của quốc gia. Vì vậy, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Thuận đã quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành xác định đây là nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành; từ đó tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân hiểu và thực hiện, cùng với nhà đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án theo kế hoạch. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù di dân, tái định cư phục vụ cho các công trình, dự án thành phần trên địa bàn thuộc Dự án ĐHN Ninh Thuận.  

Năm 2014, lĩnh vực điện hạt nhân Việt Nam còn ghi dấu bằng việc tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến. Điển hình là việc ký Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (Hiệp định 123) với Mỹ - một trong hai quốc gia (cùng với LB Nga) có công nghệ điện hạt nhân hiện đại nhất hiện nay. Như vậy, về cơ bản Việt Nam đã thiết lập được quan hệ hợp tác song phương với một số quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đánh giá chung về quá trình chuẩn bị Dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, thời gian qua, EVN và các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã rất tích cực chuẩn bị triển khai các Dự án. Tính đến nay, mặc dù tiến độ khởi công Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đã bị chậm, song không vì thế mà nóng vội. Điện hạt nhân tại Việt Nam phải được thực hiện với từng bước đi thận trọng, đảm bảo độ an toàn, an ninh cao nhất.

Còn nhiều việc phải làm

Với nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ và Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đặt ra, khối lượng công việc trong thời gian tới của EVN nói riêng và các đơn vị liên quan nói chung còn rất lớn. Trước mắt, công tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc hơn, xây dựng chương trình đào tạo cho sinh viên, kỹ sư và cán bộ quản lý của các bộ, ngành có liên quan.

Gần đây nhất, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã giao cho 3 trường đại học là ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia HN), ĐH Bách khoa HN, ĐH Đà Lạt tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Các cơ sở đào tạo khác tiếp tục tuyển sinh, đào tạo theo các chuyên ngành đã được phân công tại Đề án 1558 “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Đây được xem là bước thay đổi đáng kể trong công tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân theo hướng tập trung và chuyên sâu hơn, chuẩn bị nguồn nhân lực tốt nhất cho dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng hệ thống các văn bản, quy chuẩn pháp luật có liên quan. Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục phối hợp với tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị các cơ chế đặc thù cho tỉnh. EVN cùng các đơn vị tư vấn tiếp tục triển khai các dự án thành phần được giao... Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Đây là dự án có quy mô rất lớn, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ và đồng bộ các công việc. Chúng ta muốn nhanh, nhưng không thể bỏ qua được các điều kiện, đặc biệt là làm thế nào để cân đối về tài chính cho Dự án. Nếu chuẩn bị tốt thì việc xây dựng chỉ mất khoảng 5 năm với khoảng 10 tỷ USD, bằng thời gian xây dựng một nhà máy thủy điện”.  

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải:

Các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc làm điện hạt nhân lần đầu tiên khi thu nhập bình quân chỉ có 60 – 70 USD/người/năm. Năm 2014, Việt Nam có thu nhập bình quân gần 2.000 USD/người. Điều đó có nghĩa các điều kiện về cơ sở hạ tầng, con người của Việt Nam hoàn toàn đủ để bắt đầu triển khai, để Việt Nam có thể đánh tan tất cả những nghi ngờ về việc Việt Nam không đủ năng lực làm điện hạt nhân. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm và làm một cách nghiêm túc hay không?

Ngành Điện là một ngành kỹ thuật công nghệ cao và đối với điện hạt nhân càng đòi hỏi kỷ luật sắt. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên, những cán bộ điện hạt nhân của EVN phải được rèn luyện tinh thần kỷ luật sắt, kỷ luật quân đội để thực hiện dự án này. Và tôi tin rằng, bề dày 60 năm Truyền thống ngành Điện Việt Nam là điều kiện để EVN sẽ thực hiện thành công 2 dự án điện hạt nhân, từ đó tạo niềm tin cho xã hội và người dân về một nguồn năng lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

 


  • 11/02/2015 09:30
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3861


Gửi nhận xét