Tái định cư Thủy điện Lai Châu: Người dân đã có cuộc sống ổn định

Phục vụ thi công Thuỷ điện Lai Châu, hơn 2.000 hộ dân thuộc huyện Mường Tè và huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) đã phải chuyển đổi nơi cư trú. Đến nay, công tác di dân tái định cư cơ bản hoàn thành, đời sống người dân ở vùng đất mới đã từng bước ổn định.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng 
 
Với mục tiêu, đảm bảo người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tỉnh Lai Châu đã đặc biệt chú trọng đến việc thiết kế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm tái định cư. Cụ thể, xây dựng đường giao thông nông thôn nối các khu, điểm tái định cư; đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; đường điện hạ thế và hệ thống nước sạch cấp nước cho các hộ dân...
 
Ngoài ra, tại các điểm tái định cư, Ban Quản lý Dự án đều bố trí  trạm y tế chăm lo sức khỏe cho dân. 23 nhà văn hóa thôn bản cũng được xây dựng để người dân có địa điểm họp, sinh hoạt theo cộng đồng. Trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo 100% con em các hộ tái định cư trong độ tuổi đều được đến trường.
 
Ông Vũ Văn Tuấn - Trưởng phòng Bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết, tính đến ngày 5/6/2015, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành di chuyển, bố trí nơi ở mới cho 2.013 hộ với 8.397 khẩu thuộc vùng ngập lòng hồ Thủy điện Lai Châu tại huyện Mường Tè, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ. Người dân đều phấn khởi, an tâm sống và làm việc tại nơi ở mới.
 

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng tái định cư Thủy điện Lai Châu đang từng bước ổn định.  Ảnh: Bùi Quốc Tuấn

Cuộc sống bắt đầu khởi sắc
 
Chuyển đến khu ở mới, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Ông Vàng Văn Quyết - xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Đường sá rộng rãi, điện, nước đầy đủ nên sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Nhiều gia đình còn mua sắm được tivi, xe máy, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; trẻ em được học hành trong những ngôi trường mới, khang trang, sạch đẹp”.
 
Theo bà Tống Thị Hải - Xã Mường Tè, huyện Mường Tè, đến khu tái định cư tốt hơn nơi ở cũ nhiều. Đặc biệt, chúng tôi được UBND tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế, cuộc sống từng bước đi vào ổn định.
 
Theo ông Vũ Văn Tuấn, những năm qua, với chủ trương lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế của Trung ương và địa phương gắn với Dự án Tái định cư Thủy điện Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu đã triển khai các dự án: Trồng cây cao su, nuôi cá lồng, trồng rừng, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân. 
 
Đặc biệt, các bản tái định cư đều thành lập tổ tự quản để quản lý hệ thống cấp nước, cấp điện, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sinh hoạt, từ đó đã  tạo nên một bộ mặt nông thôn mới xanh - sạch - đẹp... Với nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng tình của người dân, năm 2015, xã Mường Tè nằm trong vùng tái định cư đã đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
 
Điều cần nhấn mạnh là, mặc dù công tác di dân tái định cư được giao cho UBND tỉnh Lai Châu thực hiện, nhưng với trách nhiệm của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương hỗ trợ cho bà con khu tái định cư sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Cụ thể, EVN đã đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông tránh ngập nối thị trấn Nậm Nhùn với thị trấn Mường Tè tới các xã tái định cư Nậm Khao, Mường Tè. Việc xây dựng đã hoàn thành vào tháng 6/2015, tạo thuận lợi cho đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế các vùng tái định cư. Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 
 
Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Dân tộc học và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại vùng lòng hồ và vùng tái định cư. Đến tháng 5/2015, đã hoàn thành khai quật, di dời 10 di chỉ khảo cổ, sưu tầm và lưu giữ trên 500 hiện vật thuộc lĩnh vực dân tộc học, sản xuất nhiều băng phim tư liệu về các lễ hội dân gian của các dân tộc như: Si la, La hủ, Cống, Hà Nhì, Thái… tại vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu.
 
Có thể nói, công tác tái định cư Thủy điện Lai Châu đã cơ bản hoàn thành. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng tái định cư đang dần dần ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức cần sớm nghiên cứu giải quyết dứt điểm, nhất là việc tạo quỹ đất cho người dân trong điều kiện địa hình phức tạp và bị chia cắt. Hiện nay, UBND tỉnh Lai Châu đang tiếp tục chỉ đạo công tác khai hoang, xây dựng đồng ruộng, giao đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân, giúp các gia đình yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. 
 
Quy hoạch di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Lai Châu được bố trí chủ yếu trên địa bàn huyện Mường Tè gồm: 8 khu, 35 điểm tái định cư; trong đó tái định cư chính thức gồm 7 khu, 33 điểm trên địa bàn 6 xã, 1 thị trấn.
 
Quy mô kết cấu hạ tầng khu vực tái định cư:
- Xây dựng 88 km đường giao thông nông thôn nối các khu, điểm tái định cư;
- 76 km đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp;
- 13 dự án thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho 375 ha diện tích đất lúa;
- 87 km đường dây điện 35 kV và 41 km đường dây 0,4 kV cấp điện cho khu vực tái định cư;
- Xây dựng 23 nhà văn hóa thôn, bản;
- 100% các hộ dân tái định cư đươc sử dụng nguồn nước sạch;
- Các điểm tái định cư đều có trạm y tế xã, trường mầm non, tiểu học; các xã tái định cư có trường THCS.
 
 


  • 01/01/2016 08:58
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6448


Gửi nhận xét