Tái cơ cấu doanh nghiệp EVN: Đúng lộ trình, nhưng...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang triển khai nghiêm túc, đúng lộ trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, EVN cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...

Năm 2020: Sẽ hoàn thành cổ phần hóa 3 GENCO

Đến nay, EVN đã triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nội dung trong Đề án Tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/11/2012. Cụ thể, EVN đã thoái 100% vốn từ các lĩnh vực không phải ngành nghề sản xuất chính và giảm vốn tại tất cả các công ty CP; phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của 5 tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT); đảm bảo các điều kiện để 3 tổng công ty phát điện (GENCO) đi vào hoạt động ổn định...

Tại Hội nghị Toàn quốc triển khai nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, Tập đoàn đã xây dựng và trình Bộ Công Thương thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) thuộc EVN giai đoạn 2016-2020. 

Cũng theo ông Dương Quang Thành, có rất nhiều giải pháp sẽ được EVN triển khai đồng bộ trong giai đoạn tới. Trong đó, Tập đoàn sẽ tập trung tái cơ cấu về tổ chức và sở hữu, coi đây là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất lao động, đồng thời công khai minh bạch hơn nữa thông tin sản xuất kinh doanh của EVN. “Trọng tâm của giai đoạn này là hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 3 tổng công ty phát điện. Cụ thể, EVN tiến hành các thủ tục CPH EVNGENCO 3 trong năm 2016 và xác định giá trị doanh nghiệp, tiếp đó là GENCO 1 và GENCO 2 trong năm 2017 và 2018”, ông Thành cho biết. 

Trong lĩnh vực truyền tải điện, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN sẽ tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại EVNNPT; đồng thời chỉ đạo EVNNPT tiến hành tái cơ cấu theo hướng tách biệt khâu quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện và khâu dịch vụ sửa chữa, nhằm tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới có thể CPH và xã hội hoá khâu dịch vụ sửa chữa. 

Riêng lĩnh vực phân phối và kinh doanh điện năng, ông Dương Quang Thành cho biết, EVN sẽ tách bạch hạch toán chi phí giữa khâu phân phối và bán lẻ trong các tổng công ty điện lực từ năm 2016; đồng thời bổ sung chức năng mua điện trên thị trường và quản lý thực hiện các hợp đồng mua bán điện truyền thống (PPA) hiện hữu. Việc chuyển giao các PPA hiện hữu từ EVN về các tổng công ty điện lực sẽ bắt đầu áp dụng từ thời điểm vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trong tương lai, khâu bán lẻ thuộc các tổng công ty điện lực cũng sẽ được tách ra và CPH, để cạnh tranh với các công ty kinh doanh điện khác khi thị trường bán lẻ cạnh tranh đi vào vận hành.

Bên cạnh việc đổi mới về tổ chức và sở hữu, EVN cũng đẩy mạnh tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện các qui chế, qui định, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động; xây dựng và áp dụng bộ các chỉ số đánh giá hiệu quả DN (KPI) trong Tập đoàn. EVN cũng sẽ tiến hành hoàn thiện cơ chế trả lương, áp dụng cơ chế tiền lương đối với viên chức quản lý gắn với kết quả thực hiện các chỉ tiêu SX-KD, năng suất lao động của đơn vị.

EVN sẽ  tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ

Còn nhiều thách thức

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc trong việc thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành, CPH các GENCO... 

Cụ thể, mặc dù EVN hết sức nỗ lực, chủ động phối hợp với các bộ ngành thực hiện CPH, nhưng chưa hoàn thành theo đúng tiến độ dự kiến. Nguyên nhân, việc CPH các GENCO vừa phải tuân thủ các yêu cầu CPH DN lớn, vừa phải phù hợp với tiêu chí cơ cấu thị trường điện. Cùng với đó, CPH tổng công ty nhà nước lớn rất phức tạp, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu, chuẩn bị ban hành Nghị định mới về CPH. 

EVN đang kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN (hiện tại Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 11664/BCT-TCCB ngày 5/12/2016). Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cho phép EVN bán bớt một phần hoặc toàn bộ phần vốn của các GENCO tại các công ty cổ phần phát điện, góp phần lành mạnh hóa tài chính, đảm bảo tiêu chí nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo quy định của pháp luật; giá trị thu về từ bán phần vốn cho phép EVN và các tổng công ty tăng vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, sử dụng làm vốn đối ứng cho đầu tư, phát triển các dự án điện mới đã được Thủ tướng Chính phủ giao...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tái cơ cấu DNNN của EVN vẫn còn nhiều khó khăn và một trong những rào cản chính là giá bán điện. Ông Bùi Văn Dũng - Nguyên Trưởng Ban Cải cách DNNN(CIEM) khẳng định, giá bán điện của Việt Nam vẫn còn thấp so với rất nhiều nước trên thế giới, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư. Ví dụ, với GENCO 1, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất thấp. Do đó, muốn CPH thành công là rất khó khăn. 

“Mặc dù Luật Điện lực và các văn bản pháp lý đã và đang ngày càng cho phép sự chủ động của DN, tuy nhiên giá điện vẫn do Chính phủ quyết định. Đã là nhà đầu tư, phải có lợi nhuận ở mức hợp lý mới chấp nhận đầu tư. Còn khi lợi nhuận thấp hơn lãi suất tiết kiệm, rất khó có thể thu hút các nhà đầu tư khi CPH các doanh nghiệp ngành Điện... Cần phải có những bước đột phá mới”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng kiến nghị, các nhà đầu tư luôn hướng về tương lai. Vậy, tương lai phát triển của các doanh nghiệp trong ngành Điện thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chủ sở hữu là Nhà nước cần phải xác định được tương đối rõ ràng, cụ thể để nhà đầu tư thấy được những lợi ích thiết thực. Trước mắt, tỷ suất lợi nhuận có thể còn thấp, nhưng tương lai, sẽ cao hơn hoặc có những ưu đãi khác... Và quan trọng hơn, phải xem xét tính độc lập giữa các đơn vị truyền tải, phân phối và phát điện với nhau; tính độc lập giữa các đơn vị này với EVN. “Mấu chốt vẫn là giải quyết được vấn đề giá bán điện, trên cơ sở công khai, minh bạch và có sự đồng thuận…”, ông Dũng khẳng định.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tái cơ cấu, CPH là nhằm lành mạnh hóa hoạt động tài chính của DNNN, trong đó có EVN. Tuy nhiên, nếu giá bán điện không được cải thiện thì sẽ “không ai đầu tư cả”. Khi giá bán điện phản ánh đúng quy luật thị trường, buộc doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ và nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào ngành Điện. “Tiếp cận về vốn chính là câu chuyện về giá. Quan trọng là cơ chế, chính sách tốt, chứ không phải lo chuyện tăng/giảm, bởi cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng xác định tái cơ cấu là giải pháp đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam, EVN đã và đang nỗ lực, từng bước thực hiện tái cơ cấu, CPH theo đúng lộ trình đề ra. 


  • 01/03/2017 02:50
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10407