TBA không người trực: Hướng đi tất yếu, nhưng...

Triển khai mô hình trạm biến áp không người trực (TBA KNT) hoặc bán người trực, các trung tâm điều khiển là hướng đi tất yếu nhằm tự động hóa, hiện đại hóa hệ thống điện, xây dựng lưới điện thông minh, góp phần nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, hiện các đơn vị đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách.

Hiện đại hóa hệ thống điện

Tháng 9/2016, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển và 2 TBA bán người trực. 

Ông Võ Hòa - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho hay, tại các TBA này, lực lượng công nhân vận hành đã được giảm 50% so với trước đây. Đến đầu năm 2017, Công ty sẽ chuyển 2 TBA bán người trực thành TBA không người trực. “Không còn công nhân trực vận hành, tất cả thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm 110 kV được tiến hành ngay tại trung tâm điều khiển thông qua hệ thống thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, các hệ thống phụ trợ TBA không người trực như giám sát an ninh, hệ thống báo cháy, báo khói tự động… cũng được truyền về trung tâm điều khiển để theo dõi, quản lý trạm”, ông Hòa cho biết.

Theo báo cáo của EVN, tính đến tháng 8/2016, Tập đoàn đã có 88 TBA KNT/bán người trực và 15 trung tâm điều khiển trong tổng số 716 TBA. Thông qua việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, trung tâm điều khiển và các TBA KNT/bán người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như, giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo. Các TBA KNT cũng góp phần giảm sự cố do thao tác nhầm do người vận hành, đồng thời nâng cao độ an toàn trong  vận hành. 

Ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết: “Với việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại tự động hóa nhanh, các TBA KNT đã góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tăng năng suất lao động. Nếu trước đây khi mất điện, nhân viên vận hành phải ra tận hiện trường để thao tác, thì với các TBA KNT, nhân viên vận hành chỉ cần thao tác trên máy tính, nhờ đó, các sự cố được xử lý nhanh hơn”.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành các trung tâm điều khiển và TBA KNT/bán người trực cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hoá, tự động hoá lưới điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục.

TBA không người trực góp phần nâng cao năng suất lao động hiệu quả

Còn nhiều thách thức

Các TBA KNT và trung tâm điều khiển đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Điện. Tuy nhiên, để đầu tư, xây dựng, chuyển đổi các TBA hiện có sang TBA KNT cũng là thách thức không nhỏ của EVN và các đơn vị thành viên.

Theo đại diện Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, hiện nay, trong các TBA, đặc biệt là TBA 110 kV tồn tại nhiều thiết bị đầu cuối thuộc sở hữu của các đơn vị khác nhau, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như cải tạo, nâng cấp. Một số trạm vẫn còn những thiết bị đời cũ, không hỗ trợ các giao thức phục vụ điều khiển xa, không tin cậy khi vận hành điều khiển xa...

Bên cạnh đó, các TBA truyền tải, TBA phân phối ở các tỉnh miền núi cách xa nhau nên việc di chuyển, đi lại mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, việc bố trí các đội thao tác lưu động chung cho 1 nhóm TBA KNT cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đảm bảo yêu cầu về thời gian tiếp cận TBA. 

Ngoài ra, thời gian đào tạo các chức danh cho trung tâm điều khiển và điều độ viên trực tiếp thực hiện thao tác các thiết bị trong TBA KNT thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, theo tiến độ, thời gian tới, số lượng TBA KNT và trung tâm điều khiển sẽ tăng nhanh. Vì vậy, áp lực trong việc đào tạo đủ nguồn nhân lực cho các TBA KNT và trung tâm điều khiển của các đơn vị cũng rất lớn.

Riêng với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), do Dự án SCADA và tự động hóa TBA được triển khai trước khi Tập đoàn có định hướng về mô hình trung tâm điều khiển, nên thiết kế của Dự án có điểm không phù hợp (trong một tỉnh có 2 trung tâm điều khiển), Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN cho biết.

Theo ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc EVNCPC, việc chưa có quy định về phòng cháy chữa cháy cho các Trung tâm điều khiển và TBA KNT cũng khiến các đơn vị gặp khó khăn trong việc xây dựng phương án PCCC trình các cơ quan chức năng phê duyệt. Cùng với đó, việc giải quyết, bố trí việc làm cho lực lượng lao động dôi dư sau khi các TBA KNT đi vào hoạt động cũng là một thách thức không nhỏ cho các đơn vị. Dù vậy, EVNCPC nói riêng và các đơn vị trực thuộc EVN nói chung đang nỗ lực từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, xây dựng và vận hành các TBA KNT/bán người trực, các trung tâm điều khiển hiệu quả, đúng tiến độ, đáp ứng lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo định hướng của Tập đoàn.

Được biết, xác định việc xây dựng các TBA KNT/bán người trực là hướng đi tất yếu, EVN đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Công An nhằm sớm ban hành các quy định về PCCC đối với các TBA KNT, trung tâm điều khiển. Đồng thời, Tập đoàn cũng chủ động phối hợp với các đơn vị trực thuộc trao đổi, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai. 


  • 02/01/2017 05:27
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 20710