Phương pháp đánh giá phát triển thủy điện bền vững

Tìm kiếm công cụ thẩm định, đánh giá phát triển bền vững cho các công trình thủy điện là mục tiêu mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn hướng tới. Hội thảo "Giới thiệu phương pháp đánh giá phát triển bền vững thủy điện Trung Sơn" được tổ chức sáng ngày 24/9/2013, tại Hà Nội là một trong những bước chuẩn bị cần thiết để cụ thể hóa mục tiêu quan trọng này.

Tham dự có Phó TGĐ EVN Đặng Hoàng An, Trưởng nhóm Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Thủy điện quốc tế, cùng đại diện các cơ quan: Bộ Tài nguyên Môi trường, Vụ Khoa học & Công nghệ Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng.

Chuyên gia của WB giới thiệu về phương pháp đánh giá phát triển bền vững thủy điện tại hội thảo - Ảnh: V.Long

Trên thế giới, việc đánh giá phát triển bền vững các nhà máy thủy điện là lĩnh vực đã được phát triển mạnh, với sự tham gia của các tổ chức uy tín như: Ngân hàng Thế giới, Hội Đập lớn, Hiệp hội Thủy điện quốc tế, Qũy Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF)... Phương pháp đánh giá được các tổ chức, chuyên gia nghiên cứu, xây dựng một cách khoa học, bám sát các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu về phát triển bền vững trong mối quan hệ tổng hòa các lợi ích.

Việt Nam là một nước có thế mạnh về thủy điện, với hệ thống các nhà máy lớn nhỏ trong cả nước hiện nay khoảng 1000 nhà máy, tổng dung tích hồ chứa lên gần 55 tỷ mét khối, trong đó khoảng 85% là thuộc EVN.

Trong những năm qua, thủy điện đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành Năng lượng nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Vì vậy, quản lý thủy điện để phát triển một cách bền vững là rất cần thiết.

"Thông qua Hội thảo lần này, nếu phương pháp đánh giá được áp dụng thành công tại Thủy điện Trung Sơn, EVN sẽ tiếp tục mở rộng triển khai đến các nhà máy thủy điện tích năng" - ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng giám đốc EVN, khẳng định.

Tại Hội thảo, đại diện WB và Hiệp hội Thủy điện quốc tế đã giới thiệu khái quát về hệ thống các phương pháp đánh giá phát triển bền vững thủy điện và tính khả thi của việc áp dụng tại Việt Nam, cụ thể là với công trình thí điểm giai đoạn 1 là Nhà máy Thủy điện Trung Sơn.

Trả lời câu hỏi "Tại sao phải sử dụng phương pháp này tại Việt Nam?", Trưởng nhóm Năng lượng của WB chi nhánh Việt Nam khẳng định: Phương pháp là một cơ hội để xác định những cải tiến trong việc lập kế hoạch và vận hành của dự án thủy điện tại Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn ngành Thủy điện cách tính toán, xác định năng lực để có thể khẳng định rằng, tại Việt Nam, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng đáng tin cậy và rẻ về lâu dài. Mặt khác, việc áp dụng phương pháp này cũng là một biện pháp có ảnh hưởng tới các cam kết của EVN về phát triển thủy điện an toàn và bền vững.

Nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia và cán bộ quản lý đến từ các tổ chức quốc tế, Vụ Khoa học & Công nghệ Bộ Công Thương cũng đã được nêu một cách thẳng thắn tại Hội thảo, nhằm đi đến những thống nhất chung về tính khả thi, sự phù hợp của phương pháp đánh giá đối với các nhà máy thủy điện tại Việt Nam.

Sau Hội thảo, Đoàn công tác của EVN, WB và các bên liên quan sẽ có chuyến đi thực tế khảo sát việc áp dụng triển khai phương pháp đánh giá tại công trình Thủy điện Trung Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Kế hoạch chi tiết đánh giá sẽ được các bên cùng bàn bạc và thiết lập sau đó.

 

Phương pháp đánh giá phát triển bền vững thủy điện gồm các vấn đề xuyên suốt:

- Biến đổi khí hậu

- Tham nhũng

- Nhân quyền

- Giới

- Cơ chế khiếu nại

- Quản lý tài nguyên nước tổng hợp

- Các vấn đề di sản

- Sinh kế

- Các dự án đa mục đích

- Các vấn đề xuyên biên giới

- Sự minh bạch

 

 

 

 


  • 24/09/2013 02:22
  • Vĩnh Long
  • 3392