Phát triển điện hạt nhân tại tỉnh Fukui – Nhật Bản: 3 nguyên tắc bất biến

Fukui là tỉnh có nhiều tổ máy điện hạt nhân nhất Nhật Bản hiện nay. Với 15/50 tổ máy và hơn 50 năm kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân, Fukui đã đưa ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng về phát triển điện hạt nhân trong tương lai, trên cơ sở thực hiện 3 nguyên tắc bất biến trong hàng chục năm qua.

An toàn là hàng đầu

Từ những năm 1960, tại Nhật Bản, năng lượng hạt nhân đã được xem là nguồn năng lượng của tương lai. Vì vậy, Chính phủ quốc gia này đã đưa ra nhiều chính sách, đồng thời tích cực kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân. Địa phương được chọn để phát triển nguồn năng lượng này là khu vực có diện tích rộng, địa chất vững chắc, đảm bảo đủ nguồn nước cho việc làm mát các lò phản ứng. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình vận chuyển các thiết bị của nhà máy phải thuận tiện, các lò phản ứng phải được cách ly và hạn chế ảnh hưởng tới khu vực xung quanh.

Tại tỉnh Fukui, phía Nam là khu vực đáp ứng được tất cả các điều kiện trên. Vì thế, đầu năm 1970, tổ máy 1 Nhà máy Điện hạt nhân Tsuruga và tổ máy 1 Nhà máy Điện hạt nhân Mihama đã lần lượt được xây dựng. Đến năm 1985, trên địa bàn tỉnh Fukui đã có 15 tổ máy điện hạt nhân được xây dựng và đi vào hoạt động. Fukui trở thành địa phương có nhiều tổ máy điện hạt nhân nhất Nhật Bản. Ngoài việc cung cấp điện cho khu vực, các tổ máy điện hạt nhân này còn cấp điện cho các thành phố lớn như Kansai, Tokyo.

An toàn luôn là nguyên tắc hàng đầu khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. (ảnh minh họa)

Từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền tỉnh Fukui và hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng Wakasa Wan (có trụ sở đặt tại Fukui – Nhật Bản), ông Takehiko Umeda cho biết, để đạt được “dấu ấn” trên, tỉnh Fukui đã áp dụng 3 nguyên tắc được xem là bất biến trong quá trình phát triển điện hạt nhân, trong đó an toàn là nguyên tắc hàng đầu.

Ngay từ năm 1964, trước khi tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, tỉnh Fukui đã thành lập Trung tâm Quan trắc phóng xạ, với nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích và đánh giá khả năng ô nhiễm phóng xạ ra môi trường xung quanh, đặc biệt là khu vực xung quanh nhà máy. Khi nhà máy đi vào hoạt động, Trung tâm thường xuyên kiểm tra, quan trắc nguồn nước sau khi làm mát lò phản ứng và thải ra ngoài môi trường. Trung bình mỗi năm một lần, Trung tâm quan trắc phóng xạ tổ chức các buổi tập huấn, rèn luyện cho người dân trong tỉnh kỹ năng ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố điện hạt nhân.

Đến tháng 1/1972, chính quyền tỉnh Fukui đã ký Thỏa ước an toàn với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Theo đó, chính quyền địa phương có quyền vào trong nhà máy kiểm tra mức độ an toàn cũng như yêu cầu nhà máy điện hạt nhân phải bồi thường thiệt hại cho người dân trong trường hợp xảy ra sự cố. Đồng thời, các nhà máy điện hạt nhân phải thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin, giải đáp mọi thắc mắc, lo lắng cho người dân liên quan đến điện hạt nhân. Tuy nhiên, trước khi thông tin đến với công chúng, chính quyền tỉnh Fukui có quyền yêu cầu kiểm tra, rà soát, biên tập lại thông tin một cách ngắn gọn, dễ hiểu và trung thực nhất.

Đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Nguyên tắc thứ hai là phát triển điện hạt nhân phải gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thực tế đã chứng minh, tại một số quốc gia trên thế giới và địa phương khác của Nhật Bản, phát triển điện hạt nhân đã tạo ra động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và hỗ trợ, kết cấu hạ tầng, giao thông phát triển theo. Đồng thời, trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân còn tạo ra việc làm cho người lao động.

Chính vì vậy, chính quyền tỉnh đã đặt ra mục tiêu đưa Fukui trở thành địa phương phát triển điện hạt nhân hàng đầu Nhật Bản. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng điện hạt nhân, phối hợp với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân; sử dụng robot cứu hộ; phát triển kỹ thuật hỗ trợ đối phó với thảm họa hạt nhân... Trong tương lai, chính quyền tỉnh  còn hướng đến phát triển các ngành công nghiệp tháo dỡ lò, mục tiêu đưa Fukui trở thành trung tâm nghiên cứu năng lượng hạt nhân quốc tế, góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản nói riêng và khu vực châu Á nói chung.

Đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội địa phương là một trong 3 nguyên tắc làm điện hạt nhân tại tỉnh Fukui - Nhật Bản - Ảnh: Phan Trang

Đạt sự đồng thuận cao của người dân

Trong tiến trình phát triển điện hạt nhân, nguyên tắc thứ ba được chính quyền tỉnh Fukui đặt ra đó là phải đạt được sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Để làm được điều này, tháng 10/1976, tỉnh Fukui đã thành lập Trung tâm Thông tin Điện hạt nhân “At home”, với các khu vực trưng bày về mô hình và các thông tin cơ bản về điện hạt nhân, đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của mọi tầng lớp nhân dân.

Nếu như sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi (tháng 3/2011), số lượng người dân đến với Trung tâm giảm 10% thì đến năm 2012 lại tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, Trung tâm “At home” còn tổ chức các khóa đào tạo, sự kiện để người dân có thể tiếp xúc và trải nghiệm với năng lượng hạt nhân. Tờ báo “At home” với mọi thông tin về năng lượng hạt nhân cũng được phát miễn phí tới tất cả các gia đình xung quanh khu vực xây dựng nhà máy. Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Fukui còn thường xuyên trao đổi với lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tích cực cung cấp mọi thông tin liên quan đến điện hạt nhân, đặc biệt là những thông tin đã ký kết trong thỏa ước an toàn để người dân có thể kịp thời nắm bắt.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng Wakasa Wan, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi (tỉnh Fukushima), các nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Fukui mặc dù không bị ảnh hưởng, song theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, tháng 2/2012, toàn bộ 15 tổ máy đã phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, một kế hoạch năng lượng mới đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 11/4/2014, khẳng định điện hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng quan trọng, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tái khởi động lại các lò phản ứng.

“Đây là tín hiệu vui đối với ngành công nghiệp điện hạt nhân Nhật Bản nói chung và tỉnh Fuikui nói riêng. Trong tương lai không xa, tỉnh Fukui sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nguồn năng lượng này, trong đó vẫn đảm bảo thực hiện 3 nguyên tắc trên”, ông Takehiko Umeda khẳng định.


  • 18/05/2015 10:16
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và hội nhập
  • 4734


Gửi nhận xét