Nước về hạn chế, thủy điện vẫn tham gia chống hạn

Chưa năm nào khô hạn như năm nay! Đó là nhận định của đại diện các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên khi lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng các nhà máy thủy điện vẫn đang tích cực chống hạn vùng hạ du.

Thủy điện miền Trung “khát nước”

Công ty Thủy điện Ialy quản lý 3 nhà máy thủy điện lớn tại khu vực Tây Nguyên (Thủy điện Ialy, PleiKrông, Sê San 3). Do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay lượng nước về 3 hồ thủy điện trên thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Ông Đoàn Tiến Cường – Phó giám đốc Công ty Thủy điện Ialy cho biết, nhiều năm qua, chưa năm nào lưu lượng nước về hồ các hồ thủy điện vào thời điểm này lại thấp như năm nay. Theo số liệu tính toán, mọi năm thời điểm này lưu lượng nước về hồ Ialy khoảng 100 m3/s, nhưng hiện nay chỉ đạt 60 m3/s.

Các hồ thủy điện Đơn Dương, Hàm Thuận, Đa Mi, thuộc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi mực nước ở các hồ xuống thấp, trong khi lưu lượng nước về hồ chỉ đạt khoảng 2-3 m3/s và đang có xu hướng giảm dần.

Theo ông Lê Văn Quang - Phó tổng giám đốc DHD, trong quý 1 năm nay, lưu lượng nước về hồ thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi thấp nhất kể từ khi đưa nhà máy vào vận hành (năm 2001). Với hồ Đơn Dương của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, đây cũng là thời điểm khô hạn nhất trong 10 năm qua. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện của Công ty. “Ngay từ cuối năm 2014, trước dự báo về diễn biến khó lường của thời tiết, nên Công ty đăng ký sản lượng điện chỉ bằng sản lượng thiết kế (2,576 tỷ kWh). Tuy nhiên, với diễn biến khô hạn như hiện nay, có lẽ chúng tôi phải điều chỉnh sản lượng điện sản xuất xuống còn 2,4 tỷ kWh”, ông Quang chia sẻ.

Nhưng khó khăn nhất chính là hồ thủy điện Đại Ninh (Công ty Thủy điện Đại Ninh) khi lưu lượng nước về từ đầu năm đến nay đều rất thấp, chỉ đạt 2-3 m3/s, nhiều thời điểm hầu như không có nước về.

Hồ thủy điện Đơn Dương (Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) có lưu lượng nước về thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay - Ảnh: X.Tiến

Tham gia chống hạn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình khô hạn sẽ có tiếp tục kéo dài ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Từ tháng 3 đến tháng 9, lượng mưa ở miền Trung thấp. Khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng có khả năng kéo dài tới tháng 9. Với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều hồ thủy điện đều cam kết đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Tại lưu vực sông La Ngà - Lũy (tỉnh Bình Thuận), hồ Thủy điện Đại Ninh sẽ đáp ứng lưu lượng 9 m3/s trong thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 30/4/2015, sau đó tăng dần lên từ 12-15 m3/s với thời gian tối thiểu 12 giờ/ngày từ 1/5 đến 31/5/2015. Hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi cũng cam kết đáp ứng lưu lượng 30 m3/s với thời gian tối thiểu 12h/ngày từ ngày 1/4 đến 30/4. Sau đó sẽ được duy trì ở mức 35-37 m3/s với thời gian 12-14 giờ/ngày cho đến hết tháng 5.

Đối với lưu vực sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), hồ Thủy điện Đơn Dương cam kết đáp ứng lưu lượng từ 17-18 m3/s từ 1/4 đến 15/4/2015, sau đó được duy trì ở mức 8-17 m3/s từ 16/4 đến 31/5. Riêng hệ thống hồ thủy điện thuộc Công ty Thủy điện Ialy sẽ đáp ứng với lưu lượng nước 195 m3/s để chống hạn cho hạ du và phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nước bạn Campuchia.

Để tận dụng tốt nguồn nước từ hồ chứa thủy điện, Tổng cục Thủy lợi đề nghị UBND các tỉnh, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng lấy nước khi có nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm.

Theo Văn bản số 1634/VPCP-KTN, ngày 10/3/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo:

- Bộ NN&PTNT đôn đốc các địa phương, đặc biệt là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; tính toán cân đối lại nguồn nước, trong đó cần ưu tiên bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, đối với những khu vực khó bảo đảm nguồn nước cần chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sang loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn, tránh thiệt hại cho sản xuất.

- Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy thủy điện phối hợp với Bộ NN&PTNT, các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch điều tiết nước của các hồ thủy điện để phối hợp với các hồ thủy lợi bổ sung nguồn nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

 


  • 12/05/2015 03:19
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới Điện
  • 2717


Gửi nhận xét