Nhiều câu hỏi về lĩnh vực điện lực được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời thỏa đáng tại Quốc hội

Chiều 11/6 và sáng 12/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đăng đàn trả lời 29 câu hỏi chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.  Nhiều nội dung liên quan đến ngành Điện đã được Bộ trưởng trả lời thỏa đáng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Ảnh: H.Hiếu

Đề cập đến vấn đề giá điện, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương hỏi sao giá chỉ tăng chứ không giảm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, lâu nay chúng ta vẫn  bán điện dưới giá thành. Đến năm 2014, giá điện mới có mức bán cao hơn giá thành. Tuy nhiên, mức giá hiện nay vẫn chưa phải giá thị trường. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng đinh, điện là hàng hóa liên quan đến toàn bộ đời sống của người dân nên dù điều chỉnh nhỏ cũng tác động lớn. Vì vậy, mỗi khi đứng trước các đợt điều chỉnh, các cơ quan điều hành hết sức cân nhắc, thận trọng.

 "Trong tính toán, chúng tôi rất cẩn trọng để làm sao đáp ứng yêu cầu điều chỉnh giá điện theo thị trường, không bù giá nhưng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp. Chúng ta làm khá tốt điều này”- Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhắc lại, sau đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 8/2013, đến tháng 3/2015 mới tiếp tục điều chỉnh. Việc điều chỉnh giá lần này nằm trong chủ trương đưa giá điện theo cơ chế giá thị trường trên cơ sở giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện và tỷ giá hối đoái theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Còn các yếu tố đầu vào khác có thể sẽ được xem xét, tính toán khi tăng giá điện nhưng không phải là yếu tố quyết định. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu, nếu điều chỉnh giá ở mức trên 10% thì phải báo cáo Chính phủ cho ý kiến.

Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, theo lộ trình, đến năm 2016 sẽ thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Từ năm 2021 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. "Lúc đó thì giá hoàn toàn là thị trường. Khi ấy, người mua điện có thể tự do lựa chọn nhà sản xuất, bán điện"- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu.

Liên quan đến công tác trồng rừng thay thế sau khi triển khai các dự án thủy điện, Bộ trưởng cho biết trước đây, trong quá trình xây dựng các thủy điện, chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Để giải quyết, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách trong đó yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng thủy điện phải thực hiện trồng bù rừng. Nếu không thực hiện được hoặc không có quỹ đất để trồng rừng thì phải nộp tiền để ngành nông nghiệp tiến hành trồng rừng. “Với các dự án thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số doanh nghiệp khác thuộc ngành Công Thương, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng, nếu không, chúng tôi sẽ xem xét xử lý nghiêm khắc” - Bộ trưởng khẳng định.

Với những câu hỏi về công tác đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra các huyện, xã đảo, Bộ trưởng khẳng định đây là chủ trương lớn được Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Thời gian qua, chúng ta đã đưa điện lưới ra một số đảo như: Cô Tô, Phú Quốc, Vân Đồn, Lý Sơn… Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ cho phép đầu tư đưa điện về khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, góp phần nâng cao đời sống người dân ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng phân tích, trả lời nhiều nội dung khác như: Việc thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; những kiến nghị về việc nhà nước cần hỗ trợ tái định cư đối với người dân nơi xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ; các nội dung liên quan đến việc xử lý ô nhiễm môi trường ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2; cấp điện cho các huyện đảo.

Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ trưởng Bộ Công thương đã nắm sâu sắc những vấn đề của ngành và đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên vẫn còn có những điểm chưa được như mong muốn, chưa đạt kế hoạch đề ra và hoan nghênh Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm với Quốc hội và cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Bộ trưởng tiếp thục thực hiện quyết liệt các giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu thị trường, làm cho thị trường thông suốt, khoa học, linh hoạt; điều hành hiệu quả giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng nhà nước quản lý giá khác sao cho công khai, minh bạch để nhân dân tin tưởng; tiếp tục đưa điện ra hải đảo, vùng nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã, số hộ dân nông thôn có điện với chất lượng tốt hơn, ổn định hơn...


  • 12/06/2015 11:34
  • Nguyễn Tuấn
  • 4712


Gửi nhận xét