Ngược Tây Bắc, chứng kiến cuộc sống mới đồng bào khi có điện

Những ngày cuối năm 2014, ngược lên Tây Bắc chừng hơn 400 km về bản Thắng Lợi (xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), con đường đất gập ghềnh ngày nào giờ đã trải nhựa phẳng lỳ. Tiếng ti vi, máy xát gạo hiện diện ở khắp nẻo đường, ngõ xóm. Người dân nay đã có một cuộc sống đầy đủ và sung túc hơn từ khi có điện. Cái đói cái nghèo đã vợi bớt.

Dự án cấp điện cho đồng bào chưa có điện về các thôn, bản của xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã bắt đầu triển khai từ năm 2012 và đến tháng 9/2013, các thôn, bản trong xã được cấp điện đầy đủ và ổn định.

Cơ sở xay xát gạo của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy lớn nhất bản Thắng Lợi. Có điện từ năm 2013, hai vợ chồng đã “mạnh tay” vay tiền cộng chung với đồng vốn tích cóp được để đầu tư 3 máy xay xát gạo, xây cửa hàng, tổng cộng hơn 60 triệu đồng.

Từ sau khi có điện, gia đình chị Thủy đã ăn nên làm ra từ cơ sở xay xát gạo - Ảnh: Phan Trang

Với mức giá 10.000 đồng/bao thóc, hiện nay thu nhập trung bình của gia đình chị từ 3 máy xay xát khoảng 100.000 đồng/ngày. Trong khi đó, tiền điện hàng tháng chị phải chi trả là 800.000 đồng.

Đến thăm cơ sở xay xát gạo của chị Thủy vào buổi sáng, không lúc nào chúng tôi thấy chị ngơi tay. Vừa xát gạo cho khách, chị vừa tranh thủ: “Từ ngày có điện, gia đình tôi mới tính kế làm ăn. Đến nay đã trả hết nợ nần và có đồng ra đồng vào. Trước chưa có điện muốn làm gì cũng khó”.

Men theo con đường nhỏ đi sâu vào trong bản, chúng tôi còn có dịp trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Dền - xã viên hợp tác xã Thắng Lợi – lên đây xây dựng nông thôn mới từ năm 1961. Nhớ lại thời gian chưa có điện, gia đình chị phải dùng máy tuabin nước (còn gọi là máy thủy điện nhỏ), chỉ đủ thắp sáng một bóng đèn vài giờ mỗi tối. Mùa cạn không đủ nước để phát điện còn mùa mưa thì vướng bùn, rác, thậm chí có thể bị lũ cuốn trôi nếu không kịp tháo mang vào nhà.

Chị Dền vui vẻ: “Những ngày tháng khó khăn, vất vả đó đã lùi lại phía sau. Giờ có điện sướng lắm, gia đình tôi sắm thêm tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện. Trẻ con có ánh sáng để học bài. Trung bình mỗi tháng gia đình phải chi trả trên 100.000 đồng tiền điện”.

Người dân bản Thắng Lợi dựng cột, làm nhà chuẩn bị đón xuân mới - Ảnh: Phan Trang

“Niềm vui, niềm hạnh phúc chỉ bình dị vậy thôi nhưng phải qua bao đời, nay mới thành sự thật với người dân bản Thắng Lợi”, ông Nguyễn Danh Lộc – Bí thư chi bộ bản Thắng Lợi cho biết thêm.

Cũng theo ông Lộc, cả bản Thắng Lợi có 50 hộ dân. Trước đây chưa có điện, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước và hoa màu trên nương hay chăn nuôi gà, lợn...

Sau khi có điện lưới quốc gia, bà con được xem truyền hình nâng cao đời sống văn hóa. Người dân bắt đầu hướng đến sản xuất hàng hóa để bán ra thị trường, tăng thu nhập cho người lao động, giảm sản xuất nông nghiệp, thu hẹp diện tích trên nương, từng bước giải phóng chân tay.

Một cuộc sống mới đầy đủ và sung túc hơn đang đến với người dân bản Thắng Lợi. Trên đường trở về, chúng tôi còn bắt gặp nhiều người dân đang dựng cột làm nhà, tiếng nói cười giòn tan, tiếng máy xẻ gỗ rè rè. Tết này, họ có nhà mới, có điện vui xuân.

Ông Tòng Văn Công – Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La:

Từ sau khi cấp điện, trình độ dân trí được nâng lên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát triển theo, như quán ăn, công nghệ thông tin phục vụ trường học, bệnh viện. Nhiều hộ gia đình mua sắm được ti vi, theo dõi thông tin, hạn chế được các tiêu cực, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43% năm 2013 xuống còn 36% năm 2014.

Hiện nay, toàn xã chỉ còn một bản Ten Ư chưa có điện. Đây là khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa và đã được đưa vào kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2015 – 2020.

 


  • 23/01/2015 09:46
  • Phan Trang
  • 3584


Gửi nhận xét