Nâng cấp thiết bị Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi: Từ cách làm hay của DHD

Việc nâng cấp hệ thống thiết bị tại Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (thuộc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) không chỉ góp phần giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị hàng năm mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất điện năng.

Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi được đưa vào vận hành năm 2001, với sản lượng điện theo thiết kế là 1,55 tỷ kWh/năm. Theo ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD), sau hơn 16 năm vận hành, hiện nay thiết bị công nghệ của 2 nhà máy trên đã lạc hậu, khó duy trì được sản lượng điện theo thiết kế. Khả năng xảy ra hư hỏng và nguy cơ tiềm ẩn sự cố thiết bị khi vận hành ngày càng lớn và rất khó xác định chính xác nguyên nhân gây sự cố. Bên cạnh đó, do thời gian kiểm tra, đánh giá kéo dài cũng làm tăng chi phí sửa chữa và thời gian bảo dưỡng, hiệu chỉnh. 

Theo tính toán của DHD, trong giai đoạn 2004 – 2012, sản lượng điện mất đi trung bình hàng năm của 2 nhà máy do sửa chữa liên quan đến hệ thống điều khiển, kích từ, điều tốc là 18,4 triệu kWh. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất - kinh doanh cũng như doanh thu của DHD.

Ông Đỗ Minh Lộc khẳng định: “Việc nâng cấp hệ thống thiết bị NMTĐ hàm Thuận - Đa Mi là việc làm quan trọng, nhằm giảm bớt chi phí vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị, khai thác tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng và sản xuất điện năng của Nhà máy”. Theo đó, Công ty đã tiến hành lắp đặt đồng bộ hệ thống điều khiển, kích từ và điều tốc, đảm bảo các hệ thống này được tích hợp lại, đáp ứng yêu cầu vận hành hiệu quả và tin cậy. Dây chuyền công nghệ, thiết bị cũng được lựa chọn từ các đối tác có năng lực, với thiết bị thế hệ mới nhất và mạnh nhất, có khả năng khai thác, bảo trì trong vòng 10 – 15 năm, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật trong quản lý vận hành các nhà máy. 

Việc ngừng vận hành tổ máy để thi công được chọn vào thời điểm trung tu hoặc đại tu tổ máy theo định kỳ, đồng thời kết hợp với kế hoạch sửa chữa lớn trong các năm 2016, 2017 và 2018, giảm thời gian phải ngừng máy tại cao điểm trong ngày, tránh mất doanh thu. Theo đó, trong năm 2016, DHD đã hoàn thành lắp đặt, thay thế, nâng cấp hệ thống điều thế tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận vào thời gian đại tu tổ máy.

Trong năm nay, DHD tiếp tục tiến hành giai đoạn 2 với việc lắp đặt, thay thế, nâng cấp hệ thống rơ le bảo vệ tổ máy và hệ thống điều khiển NMTĐ Hàm Thuận; tiến hành lắp đặt, thay thế, nâng cấp hệ thống điều thế và điều tốc tổ máy số 1 NMTĐ Đa Mi; lắp đặt, thay thế, nâng cấp hệ thống điều thế và điều tốc tổ máy thứ 2 NMTĐ Hàm Thuận.

Dự kiến giai đoạn 3, DHD sẽ tiến hành trong năm 2018, lần lượt tiến hành lắp đặt thay thế, nâng cấp hệ thống điều khiển DCS và hệ thống rơ le bảo vệ (tổ máy và đường dây) cho NMTĐ Đa Mi.

Tuy nhiên, để triển khai các hạng mục tiếp theo, theo ông Đỗ Minh Lộc, hiện nay DHD đang gặp một số vướng mắc. Theo Nghị định số 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng trực thuộc Công ty chỉ được quản lý dự án có giá trị dưới 15 tỷ đồng. Nếu giá trị lớn hơn, phải thành lập Ban quản lý Dự án khu vực. Vấn đề đặt ra là, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng nếu không do Công ty trực tiếp quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu chỉ đạo và vận hành do người quản lý không am hiểu về công nghệ, thiết bị của Nhà máy. DHD đang tích cực tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc này, đảm bảo triển khai hiệu quả Dự án Nâng cấp hệ thống thiết bị của Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, góp phần hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.  


  • 22/10/2017 05:15
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10651