Khu vực miền Bắc báo động tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp

Năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) phải phấn đấu giảm 50% số vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA). Đây là vấn đề không đơn giản, bởi đến cuối năm 2016, trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc vẫn còn 2.350 vụ vi phạm…

Khó xử lý vì thiếu cơ sở pháp lý

Ông Mai Quang Hùng - Trưởng Ban An toàn EVNNPC cho biết, tính đến cuối năm 2016, số vụ vi phạm tại các tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm 50% số vụ trên cả nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Nghệ An, Hưng Yên, Quảng Ninh…

Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều đường dây được xây dựng từ những năm 50, 60, 70 của thế kỉ trước. Trải qua thời gian, qua nhiều đơn vị tham gia quản lý, các loại hồ sơ như thiết kế, cấp đất; thỏa thuận tuyến; bồi thường, hỗ trợ để di dời, cải tạo nhà cửa, công trình… đã bị thất lạc, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý hiện nay khi tiến hành xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. 

Ông Lương Minh Thanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) cho biết, lưới điện tỉnh Hưng Yên có từ thời Pháp thuộc, thiết kế cột điện khá thấp. Qua thời gian dài sử dụng, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đã có nhiều khoảng cột vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện theo quy định, do san lấp xây dựng mới các công trình, khu công nghiệp, khu dân sinh, nâng đường giao thông…

“Bên cạnh đó, Hưng Yên là tỉnh công nghiệp, mật độ dân số cao, tốc độ xây dựng nhà cửa, công trình… tăng mạnh, dẫn đến tình trạng vi phạm HLBVATLĐCA ngày càng gia tăng”, ông Lương Minh Thanh cho biết thêm.

Ngoài ra, nhiều đường dây trung, cao áp, ở miền Bắc được xây dựng trước năm 1993, không có hồ sơ cấp đất chân cột. Do đó, khi chính quyền địa phương cấp đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình trong hành lang lưới điện, các cá nhân, tổ chức đã xây dựng nhà ở, công trình, gây khó khăn trong việc quản lý, vận hành và ngăn chặn các vụ vi phạm.

Ông Mai Quang Hùng cho hay,  một vấn đề rất đáng lo ngại, đó là ý thức của người dân về bảo vệ an toàn lưới điện chưa cao. Có nhiều vụ việc vi phạm đã thông báo, tuyên truyền, giải thích cụ thể, thậm chí cơ quan quản lý đã lập biên bản, nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành. 

“Đó là chưa kể, một số địa phương dù đã thành lập Ban chỉ đạo giảm vi phạm HLBVATLĐCA, nhưng do không có kinh phí, dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Một số địa phương không thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt vi phạm; chưa quyết liệt trong xử lý dứt điểm các vụ việc, dẫn đến việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn “nhờn” trước các quy định của pháp luật về ATHLLĐ”, ông Hùng chia sẻ.

Việc xử lý vi phạm HLBVATLĐCA ở các tỉnh phía Bắc vẫn rất khó khăn

Giảm 50% số vụ vi phạm: Liệu có khả thi? 

Hải Phòng là địa phương nhiều năm không xảy ra tình trạng vi phạm HLBVATLĐCA, ông Phạm Văn Tắm - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng chia sẻ bí quyết: “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quyết liệt trong quản lý”.

Cũng theo ông Tắm, những năm qua, bên cạnh việc phát tờ rơi đến từng hộ dân, từng trường học, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…, PC Hải Phòng còn thường xuyên kiểm tra hành lang an toàn lưới điện. Khi phát hiện các vụ việc có khả năng dẫn đến vi phạm hành lang an toàn lưới điện, ngay lập tức, Điện lực lập phương án xử lý kịp thời.

“Một giải pháp đặc biệt quan trọng là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Ở Hải Phòng, mỗi khi nhận được thông tin về vi phạm, từ Điện lực đến các cấp chính quyền liên quan sẽ bắt tay vào xử lý ngay, không để tình trạng vi phạm phát sinh rộng và kéo dài…”, ông Tắm cho biết thêm.

Tại PC Hưng Yên, ông Lương Minh Thanh chia sẻ, mặc dù đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhưng Công ty cũng chỉ giảm được 20% số vụ vi phạm/năm. Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh còn 150 vụ vi phạm, giảm 40 vụ so với năm 2015.

“Hiện nay, PC Hưng Yên đang tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện cao áp. Theo đó, Công ty sẽ cải tạo, thay thế những cột điện cũ bằng cột điện li tâm cao 18 m, di chuyển đường điện bị vi phạm hành lang an toàn. Với những khu vực chưa bố trí được vốn đầu tư, các điện lực sẽ phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân tự bỏ kinh phí di chuyển cột điện, đường dây. Ở những khu vực này, Điện lực hỗ trợ chi phí thiết kế, giám sát, thí nghiệm, nghiệm thu...”, ông Thanh cho biết thêm.

Ông Mai Quang Hùng cho biết, với tình hình lưới điện của miền Bắc, giảm 50% số vụ vi phạm HLBVATLĐCA là một “bài toán” không đơn giản đối với EVNNPC. Tuy nhiên, Tổng công ty xác định, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy mà còn bảo vệ tài sản, tính mạng và sức khỏe của nhân dân khi mùa mưa bão đã cận kề. Do đó, Tổng công ty đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Hiện nay, EVNNPC đã có văn bản yêu cầu các công ty điện lực kiểm tra, vận động các hộ dân và đơn vị vi phạm tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tiến hành cưỡng chế đối với các hộ, đơn vị cố tình vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn cao. 

Bên cạnh đó, EVNNPC cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, không để phát sinh vụ việc phạm mới; triển khai các dự án đầu tư, sữa chữa, nâng cấp lưới điện…, giảm các vụ vi phạm khoảng cách pha - đất…

“Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của ngành Điện, EVNNPC rất mong nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp thôn, xã, trực tiếp tham gia gặp gỡ, vận động các chủ hộ, tổ chức, đơn vị, tháo dỡ, xử lý các công trình vi phạm HLBVATLĐCA” - ông Hùng cho biết thêm. 


  • 08/06/2017 10:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7828