Khai thác hiệu quả tiềm năng điện mặt trời

Việc khai thác năng lượng mặt trời để sản xuất điện phục vụ cuộc sống ngày càng trở nên phổ biến. Đây là giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm năng lượng hóa thạch, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong tham gia khai thác thị trường điện mặt trời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Còn nhiều rào cản phát triển điện mặt trời

Từ gần hai năm nay, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã cắt giảm được rất nhiều chi phí từ việc sử dụng điện. Tất cả là nhờ hệ thống điện mặt trời do Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ lắp đặt.

Hệ thống này sử dụng công nghệ SIPV (công nghệ điện mặt trời nối lưới) phù hợp với điều kiện mạng lưới điện quốc gia Việt Nam. Ban ngày, hệ thống pin hấp thu bức xạ năng lượng mặt trời và chuyển thành điện năng. Khi nguồn điện lưới bị mất và đồng thời nguồn điện từ ắc quy cạn thì máy phát điện sẽ tự khởi động để cung cấp nguồn điện.

Theo tính toán, hằng năm, hệ thống điện mặt trời này sẽ sản xuất trung bình hơn 70 MWh điện năng hòa vào hệ thống điện của Viện Môi trường và Tài nguyên, đồng thời có khả năng tích điện dự phòng cho hệ thống tải ưu tiên, công suất 30 kW hoạt động liên tục hơn 8 giờ. Hệ thống này góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính hơn 50 tấn/năm.

Anh Đỗ Quang Liêm, Ban Quản lý tòa nhà Viện Môi trường và Tài nguyên, chia sẻ: Chúng tôi đánh giá rất cao tính hiệu quả về kinh tế và môi trường của dự án này. Hệ thống pin năng lượng mặt trời đã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện của tòa nhà, giúp giảm thiểu chi phí sử dụng điện năng xuống còn 50% so với trước đây.

Các nhân viên của Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ giới thiệu nguyên lý hoạt động của hệ thống phát điện mặt trời

Tiềm năng từ thị trường điện mặt trời hiện nay là rất lớn. Theo tài liệu khảo sát, tổng bức xạ năng lượng mặt trời trung bình ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2.

Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Thế nhưng, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam cho đến thời điểm này là không đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời trên cả nước chỉ ở quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu vào việc khai thác nhiệt năng từ năng lượng mặt trời nhằm phục vụ cho hộ gia đình hoặc một số cơ quan, loại hình dịch vụ sử dụng lượng điện năng nhỏ.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch nhóm công tác chuyên đề Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng (Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam) cho biết: Việc khai thác và phát triển năng lượng sạch nói chung và năng lượng mặt trời ở Việt Nam còn khiêm tốn.

Tốc độ phát triển của thị trường này còn chậm, chưa tận dụng được lợi thế tự nhiên sẵn có của đất nước cũng như phát huy tiềm lực và năng lực của xã hội, trong đó đầu tư tư nhân còn rất hạn chế cả trong nghiên cứu, ứng dụng hay thương mại. Hiện nay, còn nhiều rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách và quá trình thực thi nên các doanh nghiệp tiên phong này sau những bước đầu tư ban đầu đang thật sự gặp khó khăn vì chưa thể mở được “thị trường đầu ra” cho các sản phẩm, dịch vụ.

Cũng theo ông Lê Vĩnh Sơn, Nhà nước đã có các chính sách về việc thúc đẩy sự phát triển năng lượng sạch, tuy nhiên các chính sách này vẫn chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ và chưa gắn kết, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-chính trị-xã hội ở nước ta.

Phần lớn thiết bị, công nghệ đều nhập của nước ngoài khiến chi phí đầu tư ban đầu lớn. Một phần do nước ta vẫn còn thiếu các cơ chế khuyến khích hữu hiệu phát triển sản xuất các thiết bị ứng dụng, sử dụng điện mặt trời trong nước. Bên cạnh đó, biểu giá điện hiện hành chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, trong khi chi phí đầu tư của điện mặt trời hiện nay còn rất cao và Chính phủ chưa ban hành giá bán năng lượng điện mặt trời.

Hiện nay, nước ta chưa có hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời nên nguồn nhân lực chuyên môn hoạt động trực tiếp trong ngành kinh doanh điện mặt trời còn thiếu hụt, như: Kỹ sư thiết kế hệ thống, tư vấn kinh doanh, thi công lắp đặt, sửa chữa bảo trì, quản lý vận hành... 

Ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ cho biết, để đạt tổng khối lượng lắp đặt 12.000MW điện mặt trời đến năm 2030, sẽ cần khoảng 30.000-40.000 người làm việc trong ngành này.

Cần sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách

Trước những thách thức của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, Nhà nước ta đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định nêu rõ, cần đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà; đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù quyết định đã ban hành được hơn 6 tháng nhưng đến nay, cơ quan được giao thực hiện là Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn để sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách.

Để có thể thu hút các nhà đầu tư vào thị trường tiềm năng này, TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, cần bổ sung quy định, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để từng bước giảm giá bán điện của dự án điện mặt trời. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, chế tạo pin mặt trời, cũng như nhân lực tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng các phương tiện, thiết bị điện mặt trời.

Thêm nữa, cần có định mức tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời và thực hiện thử nghiệm chất lượng, hiệu suất các sản phẩm nhập khẩu, kinh doanh trong nước để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.

Việc cần sớm công bố giá mua, bán điện mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia cho các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời hiện nay là rất cần thiết. Ngoài các dự án điện nối lưới và dự án điện mặt trời trên mái nhà, cần xem xét bổ sung cả cơ chế mua, bán, quy đổi điện với các hộ dân lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời có tích tụ dư thừa điện.

TS Nguyễn Huy Hoạch cũng kiến nghị, Chính phủ cần quy định giá mua-bán điện năng lượng mặt trời một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích giữa các bên là chủ đầu tư (bên bán điện), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (bên mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ...


  • 25/10/2016 08:25
  • Theo qdnd.vn
  • 18507