Giải bài toán đảm bảo điện trong mùa khô 2015

Phụ tải tăng đột biến trong các tháng cao điểm mùa khô ở miền Nam khiến cho hệ thống truyền tải vận hành rất căng thẳng do phải truyền tải công suất lớn từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.

Sức ép đối với hệ thống truyền tải 500 kV Bắc-Nam

Ông Võ Đình Thủy, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 cho biết: Lưới truyền tải do Công ty quản lý trải dài qua 19 tỉnh, thành phố, từ Đồng Nai, Bình Phước về đến Cà Mau với 5.374 km đường dây (ĐZ), trong đó có 1452 km ĐZ 500 kV.

Năm 2014, Công ty đã nhận gần 63,3 tỷ kWh điện, trong đó 12 tỷ kWh nhận điện theo ĐZ 500kV truyền tải Bắc-Trung-Nam. Dự báo con số này, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô năm nay sẽ còn lớn hơn.

Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2015, sản lượng điện đã truyền tải qua ĐZ 500kV theo chiều Bắc-Trung-Nam đạt gần 4,2 tỷ kWh, tăng gần 42% so với cùng kỳ.

“Sự tăng trưởng đột biến của các phụ tải và sức ép đối với ĐZ truyền tải 500kV đã đặt ra nhiệm vụ hết sức quan trọng là vận hành an toàn, ổn định ĐZ 500kV trong mọi tình huống”, ông Võ Đình Thủy chia sẻ.

Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, Công ty Truyền tải điện 4 đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn ngừa xảy ra sự cố hành lang an toàn lưới điện, đặc biệt là lưới điện cao áp.

Đặc biệt Công ty đã vận động doanh nghiệp và bà con nông dân tiến hành thu hoạch trên 1 triệu m2 mía có nguy cơ gây cháy tại khu vực huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đồng thời dọn sạch cây tạp, cỏ khô bên dưới hành lang an toàn lưới điện.

Cùng với đó, các biện pháp kỹ thuật như kiểm tra bảo dưỡng sửa chữa ĐZ, hệ thống chống sét, các mối nối, vệ sinh sứ, kiểm tra hiện trường tại các vị trí xung yếu, thời gian cao điểm, truyền tải cao và các phương án xử lý sự cố, diễn tập xử lý sự cố… đều được Công ty thực hiện nghiêm túc.

Với những biện pháp quyết liệt, hiệu quả này, từ đầu năm đến nay, trên phạm vi quản lý hành lang an toàn lưới điện của Công ty Truyền tải điện 4 chưa xảy ra cháy trong hành lang, gây sự cố. ĐZ truyền tải vẫn vận hành an toàn, ổn định.

Nhiều công trình điện đang gấp rút thi công nhằm bổ sung vào nguồn điện cho các tỉnh miền Nam. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Đến bài toán trên lưới điện phân phối

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) trong 4 tháng đầu năm, đơn vị này đã nhận từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng sản lượng là 16,272 tỷ kWh, tăng 11,31% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng max là 156,773 triệu kWh, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất max là 7553 MW, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Dự kiến trong tháng 5 này sẽ thực hiện sản lượng là 4,5 tỷ kWh, tăng 12,1% so với cùng kỳ.

Ông Tạ Nguyên Phương, Phó Ban phụ trách, Ban Kiểm tra giám sát mua bán điện EVNSPC cho biết, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn trong tháng 4 tăng 10,5% so với cùng kỳ và sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cao điểm mùa khô còn lại.

Còn theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) dự báo: Nhu cầu trong năm 2015 của Thành phố tiếp tục gia tăng, sản lượng điện thương phẩm đạt từ 19.500-19.800 triệu kWh, tăng khoảng 6,2-7,8% so với thực hiện năm 2014.

Để đạt được mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn trong mùa khô 2015 EVNSPC và EVNHCMC đã xây dựng phương án ứng phó mất cân đối cung cầu hệ thống điện.

Đối với các khách hàng lớn hiện chiếm khoảng 60% sản lượng tiêu thụ điện, các công ty điện lực và điện lực trực thuộc đã tổ chức làm việc và ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện.

Tổ chức rà soát, thống kê chi tiết các phụ tải mang tính chất mùa vụ, đồng thời triển khai các phương án ưu tiên cho các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản như nước sạch, bệnh viện, chống hạn, chống úng, phòng ngừa dịch bệnh và các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng.

Tại các tỉnh miền Nam, EVNSPC cũng đang gấp rút thực hiện các công trình cải tạo, nâng công suất và xây dựng mới lưới điện để tăng cường cung cấp điện, chống quá tải gồm 3 trạm 220 kV với tổng vốn đầu tư 419 tỷ đồng, 104 công trình lưới điện 110kV, kinh phí đầu tư 1926 tỷ đồng và lưới điện phân phối trên 1800 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn thực hiện việc nâng công suất và lắp máy 2 để chống quá tải tại các trạm 110kV Cần Thơ, Đông Xuyên, Vĩnh Long, Vũng Liêm.

EVNSPC cho biết, hiện nay về lưới truyền tải, nhiều trạm 220kV bắt đầu đầy tải trên 80% như Cao Lãnh 2, Cai Lậy, Long Bình, Long Thành, Thuận An, Trà Nóc và một số khu vực cần phải sớm đưa trạm 220kV vào vận hành như Tây Ninh, Vũng Tàu để chống quá tải đường dây 110kV và đảm bảo điện áp 110kV.

Còn tại TPHCM, tính đến ngày 31/3, EVNHCMC đã hoàn tất việc lắp đặt tụ bù theo đúng tinh thần chỉ đạo của EVN.

Cùng với các giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, EVNHCMC còn tiếp tục đẩy mạnh công tác thi công, sửa chữa điện nóng (hotline) đối với các công tác bảo trì lưới điện, xử lý ngăn ngừa sự cố và đấu nối các công trình đầu tư xây dựng mới nhằm hạn chế tối thiểu gián đoạn điện trong quản lý vận hành.

Thực hiện đóng kết mạch vòng trên lưới điện trung thế để giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng trong các kế hoạch bảo trì định kỳ cũng như xảy ra sự cố. Đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống điện, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy trong mùa khô 2015.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, hiện lưới điện dự phòng đạt khoảng 43% có thể đảm bảo nhu cầu cung cấp điện và tăng trưởng phụ tải trên địa bàn TPHCM trong mùa khô này.


  • 20/05/2015 02:09
  • Bài và ảnh: Chinhphu.vn
  • 2713


Gửi nhận xét