EVN sẽ không đề xuất tăng giá điện trong năm nay dù lỗ do tỷ giá

Thời gian qua, trước việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số Tập đoàn kinh tế lớn trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dư luận lo ngại EVN sẽ tăng giá điện trong thời gian tới trước biến động tỷ giá. Ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám EVN khẳng định EVN sẽ không đề xuất tăng giá điện trong năm nay.

 

Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri trả lời báo chí - Ảnh ST

PV: Xin ông cho biết việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tác động thế nào đến tình hình sản xuất kinh doanh của EVN?

Ông Đinh Quang Tri: Theo tính toán sơ bộ của EVN, từ đầu năm đến nay, phần chênh lệch tỷ giá của các khoản vay đến hạn phải trả là khoảng 240 tỷ đồng. Trong khi đó, tác động trực tiếp đến chi phí của EVN đó là giá khí hiện nay đang tính bằng đồng đô la Mỹ, vì vậy khi tỷ giá tăng lên thì chi phí mua điện của các nhà máy chạy khí sẽ tăng lên. Riêng trong năm 2015 do chênh lệch tỷ giá dẫn đến việc giá mua điện của các nhà máy chạy khí tăng khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng các khoản phải hạch toán ngay vào giá thành sản xuất điện trong năm 2015 khoảng 2.000 tỷ đồng.

Một điểm ảnh hưởng nữa là các khoản vay chưa đến hạn trả. EVN vay của các tổ chức tín dụng lớn với số lượng lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, vay cả bằng đô la Mỹ, yên Nhật và Euro; trong đó tỷ trọng lớn nhất là đô la Mỹ. Chênh lệch tỷ giá do các khoản vay dài hạn của EVN tăng thêm do điều chỉnh tỷ giá vừa qua theo chúng tôi tính toán đến cuối năm 2015 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ này không phải hạch toán ngay vào trong giá thành.

PV: Vậy những khoản chênh lệch trên EVN sẽ xử lý như thế nào?

Ông Đinh Quang Tri: Theo Thông tư 179/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các công trình đầu tư sau khi quyết toán các khoản chênh lệch tỷ giá được trích, phân bổ dần trong vòng 5 năm chứ không phải đưa ngay vào giá thành. Đối với những khoản vay hình thành tài sản đã đưa vào sử dụng, EVN sẽ phải tính toán để báo cáo Chính phủ cho phép phân bổ dần chi phí này trong nhiều năm. Trong thời gian tới, trước hết đối với khoản 2.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá năm 2015 mà phải đưa ngay vào chi phí sản xuất, EVN sẽ chỉ đạo các Tổng công ty trực thuộc tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện có giá thành thấp. Đồng thời yêu cầu các nhà máy phát tăng sản lượng, huy động tối đa công suất để tăng lợi nhuận bù vào.

Do vậy, tôi cho rằng không phải vì điều chỉnh tỷ giá mà EVN xin điều chỉnh giá điện. Trước hết doanh nghiệp sẽ tìm mọi biện pháp tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận từ các nhà máy có giá thành sản xuất thấp để đưa được khoản chênh lệch tỷ giá 2.000 tỷ đồng năm 2015 vào để bù đắp.

Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ đồng, có khoản trả trong vòng 20 năm, hoặc có những khoản vay ODA trả trong vòng 30 năm, 10 năm ân hạn thì EVN sẽ xin phép Chính phủ phân bổ dần chứ không đưa ngay vào giá thành điện.

Tôi khẳng định trong năm 2015, việc xử lý tài chính của EVN sẽ không có vấn đề gì lớn, vẫn bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh.

PV: Mới đây TKV đề xuất về việc hạch toán lại các chi phí tăng lên đối với các nhà máy điện bán cho EVN. Vậy EVN có ý kiến gì thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Trong Thông tư 56/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định khi đàm phán các hợp đồng mua bán điện với cả các nhà máy bên ngoài EVN và các nhà máy hạch toán độc lập nhưng thuộc EVN đều phải dựa theo nguyên tắc: Đối với các khoản vay ngoại tệ thì trong giá điện sẽ có công thức điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên cho đến nay thì Bộ Công Thương chưa cho phép điều chỉnh tỷ giá đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả trong hay ngoài EVN. Vì vậy EVN sẽ phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhưng tôi cho rằng cũng không điều chỉnh lên được mà trước tiên phải phấn đấu bù đắp chi phí bằng các hoạt động hiệu quả. Trong trường hợp bất khả kháng, không thể xử lý được thì phải báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có biện pháp xử lý, cũng tương tự như EVN đã kiến nghị là không hạch toán vào chi phí ngay mà cho phép phân bổ dần, lấy lợi nhuận từ những năm sau bù vào, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng vì những khoản nợ này chưa đến hạn trả.

Vì có những khoản vay của EVN tới 30 năm mới phải trả. Nếu phân bổ ngay một lúc thì doanh nghiệp sẽ lỗ, còn phân bổ dần dần trong vòng 5 năm hoặc 7 năm thì doanh nghiệp vẫn chịu đựng được. Đối với các khoản chênh lệch tỷ giá chưa đến hạn trả nợ thì chưa thể gọi là lỗ ngay được.

PV: Dư luận đang đặt câu hỏi với những khó khăn về tài chính như vậy, EVN có đề xuất điều chỉnh giá điện trong thời gian tới hay không ?

Ông Đinh Quang Tri: Vừa qua có một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin EVN đang muốn tăng giá điện. Tôi xin khẳng định là từ nay đến cuối năm, EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện. EVN sẽ chỉ đạo các đơn vị bằng mọi biện pháp khắc phục.

Chúng tôi hiểu rằng, hiện nay các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì các doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn. EVN sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo ổn định giá điện.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 16/09/2015 07:43
  • Xuân Tiến (ghi)
  • 3273


Gửi nhận xét