Dự án Thủy điện Lai Châu: Bảo đảm an toàn lao động

“Trong quá trình khảo sát trực tiếp trên công trường Thủy điện Lai Châu, chúng tôi nhận thấy Ban Quản lý dự án (BLDA) và tổng thầu đã tổ chức tốt công tác đảm bảo an toàn lao động. Chúng tôi mong muốn nhân rộng mô hình quản lý ở dự án này khi triển khai các dự án khác” - ông Yamauchi Masafumi Trưởng đoàn công tác Bộ Xây dựng và các chuyên gia JICA cho biết sau khi khảo sát thực tế công trường Thủy điện Lai Châu.

Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh về việc triển khai Dự án “Tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam”, đoàn công tác Bộ Xây dựng và các chuyên gia JICA (Nhật Bản) do ông Yamauchi Masafumi làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát công trường Thủy điện Lai Châu và làm việc với Ban QLDA Nhà máy Thủy điện Sơn La – Lai Châu về các nội dung phục vụ dự án.

Tại công trường Thủy điện Lai Châu, Đoàn công tác đã đi khảo sát thân đập, nhà máy, quan sát công nhân thuộc các nhà thầu triển khai thi công các hạng mục công trình. Tiếp đó, đoàn khảo sát khu vực nhà máy - nơi Tổng công ty LILAMA đang lắp đặt hệ thống Roto các tổ máy.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng và các chuyên gia JICA khảo sát khu vực Nhà máy Thủy điện Lai Châu - Ảnh Báo Xây dựng

Ông Bùi Phương Nam - Phó giám đốc Ban QLDA Nhà máy Thủy điện Sơn La – Lai Châu cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu, chúng tôi thực hiện nhiều nguyên tắc nhằm đảm bảo 4 mục tiêu chính: Không ngừng đẩy mạnh cải tiến công nghệ; nâng cao chất lượng thi công công trình, đảm bảo và vượt kế hoạch rút ngắn thời gian thi công; chi phí xây dựng thấp, tăng hiệu ích của công trình; đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường”.

Nói về quy trình quản lý chất lượng, ông Nam cho biết bộ phận chuyên môn chính của Ban QLDA trên công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu là Phòng Kỹ thuật - an toàn. Nhiệm vụ của phòng này là quản lý, giám sát chất lượng, khối lượng và nghiệm thu hoàn thành các mục và hạng mục công trình. Trong khi đó, nhiệm vụ điều phối thi công do Ban Điều hành Tổng thầu thực hiện thông qua Phòng Quản lý kỹ thuật - Thi công an toàn triển khai đến các nhà thầu thành viên bằng các cuộc họp giao ban hàng ngày. Các công ty, xí nghiệp thành viên thực hiện đều có quy trình quản lý chất lượng riêng đảm bảo đủ năng lực thực hiện công việc.

Về quy trình giám sát thi công, nghiệm thu, vì Dự án Thủy điện Lai Châu là công trình cấp đặc biệt của quốc gia, nên Chính phủ đã có các cơ chế đặc thù để hỗ trợ dự án được thực hiện thuận lợi. Ngoài ra, Ban chỉ đạo Nhà nước các trình xây dựng định kỳ hàng tháng tiến hành kiểm tra tiến độ và chất lượng trên công trường. Cán bộ kỹ thuật của BQL luôn thực hiện nghiêm quy định “3 ca 4 kíp” tại các vị trí thi công để giám sát chặt chẽ quá trình thi công của nhà thầu đảm bảo công trình đạt yêu cầu về chất lượng, đủ khối lượng phê duyệt và an toàn lao động.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia JICA đã đưa ra nhiều tham vấn về công tác quản lý chất lượng công trình Thủy điện Lai Châu cũng như các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân. Về việc Việt Nam có nên xây dựng hệ thống đánh giá kết quả thực hiện gói thầu của nhà thầu, đại diện BQLDA và đại diện Ban điều hành tổng thầu đều nhận định đây là việc làm cần thiết và cần sớm triển khai. Tuy nhiên, theo đại diện Ban điều hành tổng thầu, khi xây dựng hệ thống đánh giá cần phải làm rõ lợi ích của các nhà thầu, cán bộ đánh giá và quan điểm của công chúng…

Đánh giá cao sự hợp tác của đại diện chủ đầu tư và nhà thầu Tổng công ty Sông Đà, ông Yamauchi cho biết: “Chủ đầu tư đã cung cấp tương đối đầy đủ thông tin và trình bày chi tiết công tác quản lý. Dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu - một công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã sử dụng mẫu điều kiện hợp đồng của FIDIC. Đây là điều kiện hợp đồng tiên tiến trên thế giới và đã được phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng lại chưa được áp dụng nhiều ở các công trình sử dụng vốn ngân sách ở Việt Nam”.

Theo ông Yamauchi: “Trong quá trình khảo sát trực tiếp trên công trường Thủy điện Lai Châu, chúng tôi nhận thấy Ban QLDA và tổng thầu đã tổ chức tốt công tác đảm bảo an toàn lao động. Chúng tôi mong muốn nhân rộng mô hình quản lý ở dự án này khi triển khai các dự án khác”. Ông cũng cho rằng, những chuyến khảo sát thực tế hiện trường trong các dự án nghiên cứu tình huống như tại công trường Thủy điện Lai Châu sẽ giúp Đoàn chuyên gia Bộ Xây dựng và chuyên gia JICA có những dữ liệu thực tế quan trọng trước khi tiến hành nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm cải thiện hệ thống quy định về quản lý xây dựng ở Việt Nam.


  • 17/12/2015 03:03
  • Theo Báo Xây dựng
  • 7800


Gửi nhận xét