Điện năng cầu nối tình hữu nghị Việt - Lào

Huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) hiện có khoảng 500 hộ dân trên địa bàn 4 xã sử dụng điện mua từ Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), với sản lượng điện tăng bình quân 41,5%/năm

Những ngày đầu năm 2014 này, chúng tôi có dịp theo chân anh em công nhân Tổ Điện Tây Nam Giang, trực thuộc Đội Quản lý điện tổng hợp Nam Giang để “mục sở thị” chuyện mua, bán điện qua biên giới Việt Nam - Lào.

Tuyến đường 14D qua khu vực cửa khẩu mới được rải nhựa láng bóng. Đường dây 22 kV cấp điện cho huyện Đắc Chưng kéo từ Quảng Nam vượt qua biên giới, thấp thoáng, ẩn hiện trên những cánh rừng già, chạy ngoằn ngoèo giữa một vùng đại ngàn rồi mất hút sau dãy núi cao phía bên kia huyện Đắc Chưng. Tại trạm đo đếm Cửa khẩu bán điện qua Lào, anh Busi, Tổ trưởng Tổ Quản lý điện Đắc Chưng đang cùng các anh công nhân điện của Đội Quản lý điện tổng hợp Nam Giang phối hợp ghi chỉ số sử dụng điện đến cuối năm 2013 của nhân dân huyện Đắc Chưng, nhằm tính toán chi phí trả cho Việt Nam.

Lưới điện kéo dài từ Nam Giang sang cấp điện cho huyện Đắc Chưng, phía Lào -  Ảnh: CTV

Bán điện qua biên giới có nhiều cái khó. Khó nhất là thống nhất chủ trương, tìm ra nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện qua biên giới hai nước. Cái khó nữa là phải vượt qua được tâm lý của dư luận cho rằng trong nước còn thiếu điện mà lại bán điện cho nước ngoài... Được sự thống nhất và đồng thuận cao từ Chính phủ 2 nước và các cấp chính quyền cũng như người dân hai bên, hệ thống lưới điện qua Lào được xây dựng hoàn thiện vào cuối năm 2009.

Từ ngày 16/12/2009, người dân huyện Đắc Chưng được sử dụng điện từ Việt Nam. Việc mua, bán điện giữa hai bên diễn ra rất thuận lợi, không phải thuê thông dịch viên, bởi trước đây anh Busi là du học sinh Lào tại Việt Nam, rất sõi tiếng Việt.

Anh Lương Bang, Đội phó Đội Quản lý điện tổng hợp Nam Giang cho biết, chủ trương hợp tác xây dựng các nhà máy thủy điện và mua bán điện qua biên giới là một trong những hạng mục ưu tiên của 2 nước. Vì thế khu vực cửa khẩu Đắc Ốc trong những năm gần đây trở nên đông đúc, rộn ràng hơn do việc xây dựng cửa khẩu, nhà máy thủy điện Sê-ka-mản và việc trồng cao su, khai thác khoáng sản trên đất Lào đã thu hút hàng nghìn công nhân, kéo theo người dân đến lập nghiệp, hoạt động buôn bán sôi động, biến nơi này trở thành một thị tứ giữa rừng già, có  điện sáng trưng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Busi cho biết, lúc chưa có điện, vùng biên giới Nam Giang - Đắc Chưng gần như bị cô lập, người dân sống khép kín. Không ai dám mơ tưởng đến một ngày nào đó sẽ có điện. Thế nhưng, niềm vui đến thật bất ngờ, như “cầu được ước thấy” khi Tổng công ty Điện lực miền Trung quyết định đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, kéo gần 100 km đường dây 22 kV đưa điện từ ngã ba Bến Giằng của huyện Nam Giang lên biên giới.

“Hàng đời nay quê tôi vẫn loay hoay với cái nghèo, cuộc sống co cụm, khép kín vì không có điện. Từ ngày cửa khẩu Đắc Ốc được mở ra, đường sá được nâng cấp mở rộng và nhất là từ ngày có điện, cuộc sống người dân đã đổi thay khác xưa nhiều lắm” – anh Busi nói. Cũng theo anh, việc mua, bán điện giữa Công ty Điện lực Quảng Nam với Công ty Điện lực Sê Kông không chỉ đơn thuần phục vụ cuộc sống của người dân vùng biên mà là góp phần phục vụ mục tiêu bang giao quốc tế, xây dựng cửa khẩu Đắc Ốc trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Công trình cấp điện cho huyện Đắc Chưng là lưới điện 22 kV liên hoàn từ huyện Nam Giang vượt qua biên giới đến trung tâm huyện Đắc Chưng. Ngoài đường dây từ Nam Giang lên, phía Việt Nam còn đầu tư thêm gần một chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 2,5 km đường dây thuộc xuất tuyến 473 E156 từ 15 kV lên 22 kV; cải tạo hàng chục ki-lô-mét đường dây 22 kV từ Đồn biên phòng La Dê lên biên giới; chuyến dịch đường dây gần biên giới để tránh qua các cánh rừng già nhiều loại gỗ quý hiếm; xây dựng mới 1 km đường dây 22 kV từ TBA Cửa khẩu đến sát hành lang biên giới cùng 1 trạm đo đếm điện năng, 1 trạm tự động điều chỉnh điện áp...

Công ty Điện lực Quảng Nam luôn quan tâm chỉ đạo Điện lực Đại Lộc mà trực tiếp là Đội Quản lý điện tổng hợp Nam Giang tăng cường kiểm tra, quản lý vận hành, bảo đảm đường dây luôn ở trạng thái an toàn để cấp điện cho nước bạn, đồng thời, hỗ trợ phía bạn đảm bảo việc quản lý, vận hành lưới điện phía bên kia biên giới được thông suốt. Phòng Kinh doanh được giao phối hợp bảo đảm hợp đồng mua bán điện được thực hiện theo thông lệ quốc tế, không vi phạm Luật Biên giới quốc gia và các quy định hợp tác thương mại giữa hai nước.

Anh Lương Bang tâm sự: “Để điện đến được với đồng bào Đắc Chưng phải qua 5 cấp điện áp với gần 150 km đường dây băng rừng núi, thường xuyên bị nạn sạt lở đất, giông sét và cây rừng uy hiếp. Vì thế, Tổ Quản lý điện Nam Giang phải rất vất vả để giữ an toàn lưới điện, bảo đảm độ tin cậy cấp điện cho huyện bạn”.

Vất vả là vậy nhưng thành quả thì cũng thật xứng đáng, nguồn điện từ Quảng Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Đắc Chưng và tạo thuận lợi cho giao thương ở vùng biên 2 nước, phục vụ xây dựng các công trình thủy điện trên sông Sê-ka-mản và hình thành hành lang Đông - Tây thứ 2, liên thông các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và các tỉnh Nam Lào với biển Đông Việt Nam, tạo sợi dây kết nối keo sơn giữa hai đất nước anh em Việt - Lào.
 


  • 06/04/2014 02:12
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3077


Gửi nhận xét