Điện lực Hà Tĩnh với 'cách mạng 4.0'

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt, Công ty Điện lực Hà Tĩnh là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện “cách mạng 4.0” trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý lưới điện thông minh nhằm tăng năng suất, hiệu quả, đảm bảo sự công bằng cho ngành Điện và khách hàng.

Ứng dụng công nghệ số trong đo đếm, thanh toán tiền điện

Từ trước đến nay, việc theo dõi chỉ số tiêu thụ điện đã gây ra nhiều tranh cãi, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh ngành Điện. Vì vậy, việc triển khai phần mềm quản lý trực tuyến ghi chỉ số công tơ giúp khách hàng có thể theo dõi trực tiếp chỉ số hàng tháng trên các phần mềm được cài đặt ở smartphone; giảm thiểu sự can thiệp của con người thông qua phần mềm ghi chỉ số và tính toán số điện CMIS.

Theo thông tin từ Phòng Kinh doanh Điện lực TP Hà Tĩnh, TP Hà Tĩnh là địa phương trong tỉnh được Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư công tơ điện tử đầu tiên. Đến nay, toàn thành phố đã được trang bị 16.362 công tơ điện tử (hơn 44%), trong đó có 5.000 công tơ đọc từ xa.

Với loại công tơ này, công nhân đi đọc số điện thay vì phải bắc thang trèo lên cột, thì chỉ cần sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay là có thể đọc được chỉ số. Cũng chính vì không phải trèo lên cột điện nên đã phòng ngừa được nguy cơ tai nạn lao động.

Chị Nguyễn Linh (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hàng tháng, tôi nhận được thông báo chỉ số điện tiêu thụ của gia đình và tổng mức tiền điện phải nộp qua tin nhắn điện thoại. Việc thanh toán tiền điện cũng được thực hiện trong “nháy mắt” qua dịch vụ BankPlus. Đây thực sự là cuộc “cách mạng” không chỉ của ngành Điện mà còn của cá nhân vì đã giảm được rất nhiều thời gian, chi phí".

Đặc biệt, năm 2016, đơn vị đã lắp 5.000 công tơ điện tử với tính năng hiện đại hơn hẳn khi có khả năng “đo đếm tự động tập trung”. Khi sử dụng hệ thống này, tất cả dữ liệu, số liệu của công tơ đều truyền về trung tâm, người quản lý có thể đọc bất kỳ lúc nào.

Ngồi ở nhà, người quản lý chỉ cần có mã số, mật khẩu là đọc được chỉ số công tơ của khách hàng khu vực đó đang như thế nào, có bị yếu tố bên ngoài tác động vào công tơ hay không cho nên công tác quản lý rất nhàn. Từ chỗ phải mất gần 10 ngày và sử dụng hàng chục người để đi đọc công tơ thì nay chỉ cần 5-10 người và trong 2 ngày.

Ông Đặng Bình Nhượng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho hay, việc ghi chỉ số bằng thiết bị chuyên dụng giúp giảm thiểu việc sai số, đảm bảo tính công bằng cho cả người mua lẫn người bán điện. Nhân viên điện lực có thể xem chỉ số công tơ và các thông số bất cứ lúc nào, ở đâu (chỉ cần có điện thoại smartphone) và khách hàng cũng có thể tự kiểm tra được. Đặc biệt, ở những vùng địa hình phức tạp, đồng hồ điện ở xa (như ở chùa Hương - Can Lộc) nhân viên đến đọc chỉ số công tơ có khi mất cả ngày. Nay nhờ có đồng hồ điện tử, công việc đó chỉ mất vài giây.

Hiệu quả trong quản lý, đảm bảo an toàn lưới điện

Theo ông Đặng Bình Nhượng, việc áp dụng công nghệ số vào quản lý, đảm bảo an toàn lưới điện mang lại hiệu quả tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Việc thao tác các thiết bị trên lưới điện chính xác, nhanh chóng, giảm thời gian xử lý sự cố; nhanh chóng cung cấp điện trở lại cho khách hàng, tiết kiệm được thời gian, chi phí để đi tới các thiết bị, giảm thiểu thời gian mất điện cho khách hàng, đồng thời, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tin cậy và kinh tế.

“Nếu như trước đây, công nhân trực muốn kiểm tra quá tải tại các trạm biến áp công cộng phải trực tiếp đến nơi để đo, nhưng nay nhờ áp dụng hệ thống kiểm tra tự động, công nhân trực có thể ngồi ở phòng điều độ điều chỉnh, luân chuyển các trạm biến áp cho phù hợp phụ tải và cân các pha để cân bằng. Nếu phát hiện quá tải, bộ phận trực cũng có thể cắt điện từ xa, không cần đến tận nơi. Hiện toàn tỉnh đã có 48 điểm máy cắt phân đoạn đường dây. Đây là một trong những cải cách, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý lưới điện” - ông Nhượng thông tin thêm.

Cũng theo ông Nhượng, nhờ áp dụng công nghệ số vào quản lý, vận hành an toàn lưới điện nên 6 tháng đầu năm 2017, lượng điện thương phẩm đạt trên 403 triệu kWh, tăng trưởng 5,86% so với cùng kỳ 2016; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm 1,12% so với cùng kỳ.

Những nỗ lực hiện đại hóa lưới điện của Công ty Điện lực Hà Tĩnh không chỉ góp phần đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn từng bước hiện thực hóa “cách mạng 4.0” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. 


  • 21/08/2017 10:12
  • Theo Báo Hà Tĩnh
  • 10879