Cuộc hội ngộ của cảm xúc

Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm, những kỷ niệm sống mãi với thời gian đó là những hình ảnh đầy cảm xúc được ghi nhận trong ngày hội ngộ của hơn 200 cán bộ các thế hệ ngành Điện nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2014).

“Bạn bè ơi, ta còn nhớ những tháng năm ngăn sông Đà, lòng ta xao động. Bạn bè ơi, ta còn biết những tháng năm xa quê nhà, lòng ta diết da. Bạn bè ơi, ta về đây chặn dòng sông, ta hiến dâng cho tổ quốc mình. Bạn bè ơi, ôi cuộc sống trong lao động, ôi hạnh phúc ta trưởng thành lên từ sông Đà”.

Du dương trong điệu nhạc, lời ca do chính mình sáng tác, ông Bùi Thức Khiết - Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) không giấu nổi cảm xúc bồi hồi khi được gặp lại những người bạn đồng nghiệp, người anh, người chị, người em năm xưa.

Ông Bùi Thức Khiết kể: Gắn bó với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từ thuở sơ khai, từ những ngày đầu chinh phục dòng sông Đà, Thủy điện Hòa Bình đã trở thành một miền hồi ức, là “bài ca không quên” trong ông. Nếu ông Bùi Thức Khiết có 12 năm gắn bó với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thì ông Thái Phụng Nê lại có đến 14 năm chỉ đạo thi công công trình này. Điều đáng nói là trước đó, cả hai ông đều đã làm việc tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà, sống trong mưa bom bão đạn của giặc Mỹ. Hôm nay, trong không khí đặc biệt của Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam, họ lại được đứng bên nhau để cùng nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên. Tất cả những tình cảm đó đều được gửi gắm trong những ca từ, giai điệu thiết tha, da diết kia, để hôm nay ông được cất lên dành tặng những người đồng nghiệp của mình.

Hơn 200 cán bộ lão thành ngành Điện đã có dịp hội ngộ nhân kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam. Ảnh: Vũ Lam

 “Những người cùng làm việc ở Thủy điện Thác Bà thời ấy, ngoài “anh Nê”, trong buổi hội ngộ hôm nay, tôi chỉ có thể gặp lại ông Lưu Minh Chánh từng là quản đốc phân xưởng máy, ông Phạm Công Lạc nguyên là quản đốc phân xưởng điện, ông Đỗ Bá Nghị nguyên là trưởng phòng kỹ thuật. Còn các giám đốc nhà máy như ông Phạm Tiến Duệ, ông Vũ Phong nay đã ở bên kia thế giới. Chính vì vậy, đây là dịp để chúng ta không chỉ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đã qua, mà còn dành chút thời gian để tiếc thương, nhớ về những người đã khuất”, ông Bùi Thức Khiết xúc động nói.

Gặp lại nhau, các bậc lão thành ngành Điện như “cởi” được nỗi nhớ nhung. Sau những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm, họ tranh thủ hàn huyên, tâm sự về những năm tháng đã qua. Về chuyện Nhà máy Thủy điện Thác Bà trong những ngày bị bom Mỹ phá hoại, chuyện xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, hay năm tháng gắn liền với núi rừng kéo đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam mạch 1… Để viết lên những trang sử vẻ vang của ngành Điện hôm nay, không ít cán bộ, chiến sĩ đã phải hy sinh một phần máu xương của mình, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng.

Trong buổi gặp mặt, một đôi bạn từng kề vai sát cánh ở những vị trí chủ chốt của ngành Điện năm xưa nay lại kề vai chụp hình và ngồi bên nhau chia sẻ những hồi ức rất gần gũi, rất thân mật đó là Giáo sư – Viện sĩ Trần Đình Long - Nguyên phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Tổng công ty Điện lực Việt Nam và ông Lê Liêm - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (giai đoạn 1994 – 1998). Trong câu chuyện ấy, GS.VS Trần Đình Long vẫn nhớ như in ngày đầu tiên vào làm việc tại EVN với cương vị là Phó chủ tịch HĐQL Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1995). “Ngày đó, anh Liêm không chỉ dẫn tôi đi làm quen với tất cả các phòng, ban chuyên môn mà còn viết cho tôi một bức thư chia sẻ những tâm tư, tình cảm của anh đối với ngành Điện. Tôi vẫn cất giữ bức thư ấy như một kỷ vật”.

Gặp lại nhau, các cán bộ lão thành ngành Điện hàn huyên về những năm tháng đã qua.
Ảnh: P. Trang

Lặn lội từ miền Nam xa xôi, vị “nữ tướng” ngày nào của Công ty Truyền tải điện 4 - bà Hồ Thị Bích Phượng (nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4) cũng không kìm nén nổi nỗi xúc động được gặp lại “những người năm ấy”. Họ cùng nhau nhớ lại những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, anh em vừa chiến đấu vừa sản xuất để dòng điện không bao giờ được tắt. Rồi những ngày đầu tiên khi tiếp quản lưới điện miền Nam hay câu chuyện của những người thợ đường dây tải điện khi đường dây 500 kV mạch 1 đi vào vận hành - những khó khăn vất vả tưởng chừng như không thể vượt qua. “Rất nhiều kỷ niệm trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ ấy ùa về khiến bà Hồ Thị Bích Phượng nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Trong thời khắc tràn đầy xúc cảm này tôi muốn nhắn nhủ tới thế hệ những người làm điện hôm nay rằng, nhiều thế hệ đã đi qua, thậm chí đã lấy thân mình giữ cho dòng điện được sáng, đó là niềm tự hào của ngành Điện. Tôi mong rằng các em, các cháu, các con của mình sau này có thể giữ được niềm tin của ông, bà, cô chú, giữ được dòng điện luôn luôn tỏa sáng, tạo được niềm tin cho nhân dân, đất nước. Mong rằng các cháu cố gắng rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn để đóng góp cho ngành Điện mỗi ngày phát triển lớn hơn, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước.

Không chỉ có bà Phượng mà rất nhiều những lời gửi gắm của các bậc lão thành ngành Điện tới thế hệ hôm nay và mai sau đó là niềm tin tưởng, là sự chuyển giao là trách nhiệm được gửi gắm tới những người đang viết tiếp bản trường ca để thắp sáng lên ánh điện của niềm tin và hy vọng.

Và, trong không khí đầm ấm này mong cho điều hẹn ước của ông Bùi Thức Khiết sẽ luôn là sự thực đó là: “Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào ngày này của 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm tới. Dẫu biết rằng thời gian là vô hạn còn đời người là hữu hạn, nhưng còn người, còn sức thì chúng ta sẽ còn gặp lại để cùng sẻ chia niềm ước vọng về một Điện lực Việt Nam mãi mãi tỏa sáng”.
 


  • 01/02/2015 09:20
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 5066


Gửi nhận xét