Bộ Công Thương không thiên vị, bảo vệ lợi ích của EVN

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ Công Thương, xung quanh vấn đề hóa đơn tiền điện tăng bất thường trong tháng 4, sau hơn 1 tháng điều chỉnh giá điện.

Trả lời câu hỏi về việc hóa đơn điện tăng mạnh trong tháng 4 với cách tính phức tạp, phải chăng Bộ Công Thương đang thiên vị, chỉ bảo vệ lợi ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: nguyên tắc của Bộ là không thiên vị, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, cụ thể là EVN. Trước khi ban hành quyết định điều chỉnh giá điện tăng 7,5%, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành liên quan đã xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và được Chính phủ phê duyệt.
 
Về cách tính giá điện được áp dụng theo phương pháp nội suy. Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc lấy dẫn chứng một khách hàng được ghi hóa đơn tiền điện ngày 10 hàng tháng. Như vậy, với giá điện tăng từ ngày 16/3 thì có 5 ngày (từ 11/3 – 15/3) được tính theo giá cũ, còn lại 26 ngày (16 /3 – 10/4) được tính theo giá mới.
 
Trường hợp khách hàng sử dụng 500 kWh/tháng sẽ được chia đều, sau đó nhân 5 ngày tính theo giá cũ, còn lại theo biểu giá mới. Biểu giá có 6 bậc, chia đều tiếp cho 6 bậc.
 
Ông Đinh Thế Phúc nhấn mạnh thêm: " EVN và 5 tổng công ty điện lực đều đã đăng tải phương pháp tính tiền trong tháng thay đổi giá điện trên website để khách hàng có thể tham khảo".
 
Bên cạnh đó, việc hóa đơn tiền điện trong tháng 4 tăng vọt so với tháng 3 còn do số ngày nắng nóng nhiều hơn, do vậy sản lượng sử dụng điện nhiều hơn. Mặc dù người dân cũng ý thức được rằng việc sử dụng nhiều điện thì sẽ tăng tiền điện, tuy nhiên đây là nhu cầu thiết yếu như sử dụng điều hòa, tủ lạnh...
 
"Chúng tôi đã yêu cầu EVN tăng cường tuyên truyền cho khách hàng về thời tiết nắng nóng có thể khiến tăng tiền điện do nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, từ đó để người dân lưu ý tiết kiệm khi sử dụng", ông Phúc nói.
 
Vấn đề giá điện tiếp tục gây nóng buổi họp báo khi có ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh giá để thu hút đầu tư.
 
Trả lời thằng thắn vấn đề này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, các dự án trong lĩnh vực năng lượng nói chung và ngành Điện nói riêng là những dự án đòi hỏi quy mô đầu tư lớn.
 
Giai đoạn trước khi tiến hành cải cách ngành Điện, phần lớn các dự án đều được triển khai từ vốn vay và vốn đầu tư của Chính phủ. Một số dự án lớn được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài, song Chính phủ vừa đóng vai trò bảo lãnh vay vốn hoặc đàm phán các dự án IPP về cung cấp điện, trong đó kèm thêm các điều kiện về giá.
 
Những năm gần đây, quá trình cải cách hành chính diễn ra khá mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển. Việc điều hành giá điện cũng đòi hỏi từng bước phù hợp với nền kinh tế thị trường, từ đó cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài.
 
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm, điện sản xuất trong tháng 4/2015 ước đạt 12,87 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm ước đạt 11,58 tỷ kWh, tăng 6,8%.


  • 28/04/2015 02:42
  • Hà Nguyễn
  • 3248


Gửi nhận xét